Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Vua Lộc Vừng

Từ Hà Nội đi dọc theo QL 32 khoảng hơn 40 km thì đến khu trang trại sinh vật cảnh của bác Nguyễn Văn Tỏ ở thôn Cung Sơn, xã Tích Giang (Phúc Thọ - Hà Tây). Người dân ở đây quen gọi bác Tỏ với cái tên "ông vua lộc vừng", bởi lẽ khu vườn sinh thái rộng trên 1 mẫu đất có bạt ngàn cây lộc vừng và các loại cây cảnh khác có tuổi đời từ một vài năm cho đến hàng trăm năm. Mỗi năm nguồn thu từ cây cảnh, bác cũng được trên 100 triệu đồng.

Là người lính, bác Tỏ đã từng cùng đồng đội nhiều lần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".Những năm tháng gắn bó với rừng, bác biết rất nhiều loại cây. Nhưng có lẽ chỉ cây lộc vừng đã làm bác mê đắm, hút hồn trước vẻ đẹp của nó. Lộc vừng đẹp nhờ bộ rễ dày, gân guốc như lực sỹ và nở những chuỗi hoa dài, màu đỏ, thật quyến rũ. Cây lộc vừng cứ ám ảnh bác mãi trong những chặng đường hành quân cũng như lúc bác xuất ngũ trở về địa phương.

Với ý thức bảo vệ những cây lộc vừng cổ thụ đang bị mất dần trong những cánh rừng đại ngàn do nạn săn cây cổ thụ, bác Tỏ đã nảy ra ý tưởng trồng cây lộc vừng tại vườn nhà mình rồi ươm giống cây con phục vụ người chơi cây cảnh. Bác mạnh dạn mua khu vườn cạnh đường QL32 rộng trên 1 mẫu để trồng lộc vừng. Bác Tỏ lặn lội vào tận vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An tìm những cây lộc vừng đã bị người dân đào bới khai thác trôi nổi để thu mua.

Hiện tại, trong vườn nhà bác Tỏ có gần 200 cây lộc vừng, có cây tuổi đời chỉ vài năm, có cây trên 100 năm, gốc to một người ôm không xuể. Bác chọn những cây lộc vừng nhiều tuổi nhất cho ra hoa, kết trái để lấy hạt ươm trồng. Cây lộc vừng từ khi trồng, trong vòng khoảng 2-3 năm là cây có tán, có hoa và có thể bán được. Cây đẹp (cây được tạo thế) có giá trị từ 1 triệu đến vài triệu đồng. Còn loại cây thường (cây 1 thân) thì giá từ 1 triệu đổ lại. Loại lộc vừng cổ thụ thì giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhưng trồng được một cây lộc vừng cổ thụ thì mất cả đời người, thậm chí hai, ba đời. Lộc vừng cũng là loài cây dễ tính, tuy nhiên người trồng cũng phải hiểu được đặc điểm lâm sinh của cây. Khi mua cây phải đánh cả bầu đất sau đó ủ cát xung quanh ươm cây cho rễ non ra rồi mới đem trồng. Thời điểm lộc của cây bắt đầu bật ra thì phải có lưới đen che nắng, che sương cho lộc non đẹp không bị táp lá.

Bác Tỏ cho biết: Hiện nay,lộc vừng đang là "mốt" của những người chơi cảnh. Nhiều người quan niệm lộc vừng trổ ắt lộc sẽ đến, ở gia đình thì họ thường mua những cây lộc vừng trồng ở chậu. Còn các trang trại sinh thái, Cty thì "sính" cây cổ thụ hơn. Nhưng cây lộc vừng cổ thụ bây giờ rất hiếm, bởi nạn tàn phá rừng nhiều. Trong vườn nhà bác Tỏ cũng chỉ còn 60 cây lộc vừng có tuổi từ 60 đến trên 100 năm, hôm nào cũng có người đến hỏi mua, có người trả hàng trăm triệu đồng một cây nhưng bác Tỏ không bán, bác bảo để làm giống. Mỗi năm bác bán ra thị trường khoảng 100 cây lộc vừng giống.

Ngoài cây lộc vừng, trong vườn nhà bác Tỏ còn trồng trên 100 cây cảnh, cổ thụ các loại như: Sung, si, đa, sữa, cọ, cau vua... Nhưng nguồn thu chính trong vườn nhà bác vẫn là bán giống cây lộc vừng (chủ yếu cây từ 2-7 năm tuổi). Hiện tại, bác Tỏ đang có ý mở rộng vườn trồng lộc vừng để nhân rộng giống cây cảnh quý này, tạo điều kiện cho người chơi cây cảnh có cây mà không phải phá rừng.

NNVN (Vietnam Website)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét