Ngôi Sao May Mắn

Hạnh phúc và bình an trong chúa.

Tấm Gương Sáng

May Mắn, hạnh phúc, vui vẻ, bình an, niềm tin và hy vọng.

Mẹo Vặt Cuộc Sống

Tiết kiệm thời gian và rắc rối nè.

Sản Phẩm

Sản phẩm thiết thực là sản phẩm mọi người muốn và cần.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Tỷ Phú Lang Thang Bán Vé Số.

Giữ lại tờ vé ế, Hoàng Hôn không ngờ giải đặc biệt lại "rơi" vào gia đình mình. Lĩnh hơn một tỷ đồng, Hôn xin mẹ mua chiếc điện thoại 500.000 đồng để nghe nhạc trên đường đi bán vé số, kiếm người yêu.

Sáng 28/1/2013, anh Hứa Hoàng Hôn (26 tuổi, phường Lê Bình, quận Cái Răng, Cần Thơ) đến đại lý bán vé số gần nhà để nhận vé, bắt đầu ngày làm việc mới. Công việc không khác so với lịch làm việc suốt 10 năm nay: mua 700.000 đồng được 80 vé số. Đến 17h, anh đi khắp ngõ ngách, dọc các quán cà phê ven đường, bán hết 75 tờ. Mang 5 tờ vé seri 625644 chào mỏi miệng không ai đoái hoài.

Đến gần nhà, anh gặp hai người hàng xóm là anh Trần Xuân Dũng (37 tuổi) và bà Nguyễn Thị Chín (50 tuổi) nên níu lại năn nỉ: "Con còn 5 tờ vé số, cô chú mua ủng hộ, biết đâu gặp may mắn". Hai người hàng xóm tốt bụng vừa muốn giúp đỡ, vừa muốn thử vận may, nên anh Dũng mua 2 tờ, bà Chín mua một tờ.

Anh Dũng còn không quên hứa hẹn một cách hào phóng: "Nếu trúng, anh sẽ cho 10 triệu đồng"; còn bà Chín cũng hứa sẽ cho một triệu nếu may mắn. "Khi đó, bán được vé số suýt ế là mừng rồi, nghĩ gì đến chuyện người trúng số cho tiền", chàng trai thuật lại.

Cầm 2 tờ vé số, Hoàng Hôn bước thong thả về nhà. Sắp đến giờ xổ mà bán gần hết đã là một ngày thành công, may mắn. Mới vào đến hiên nhà, thấy bà ngoại sang chơi ngồi trước cửa, anh liền nài nỉ tiếp và bà rút tờ 10.000 đồng ra ý mua. Vậy là anh còn tờ duy nhất.

Một lúc sau, người mẹ đi bán thịt lợn ở chợ về, anh đưa tặng mẹ rồi nói: "Mẹ mà trúng thì từ nay khỏi phải ra chợ bán thịt heo làm gì cho vất vả". Chàng trai nhớ như in: "Khi đó mẹ nhìn tôi lườm một cái, bảo: 'Mày cứ đợi đấy. Nằm mơ con ạ. Chăm chỉ mà làm đi, không lại chết đói'".

Tỷ phú lang thang Hứa Hoàng Hôn.

Tắm rửa, cơm nước xong, Hoàng Hôn chẳng đoái hoài gì đến tờ vé số, nằm lăn ra giường xem phim sau một ngày đi bộ mệt mỏi. Anh thiếp đi lúc nào không hay, khi giật mình tỉnh dậy đã gần 22h. Nhìn lên bàn, thấy tờ vé số bị mẹ vứt lăn lóc, anh lôi điện thoại trong túi ra nhắn tin dò kết quả.

Tin nhắn từ tổng đài thông báo, giải đặc biệt của Công ty Xổ số kiến thiết Vĩnh Long ngày 28/1/2013 trùng với số seri tờ vé số anh đang cầm. Kiểm tra lại mấy lần đều nhận được kết quả tương tự, Hoàng Hôn biết đã trúng giải đặc biệt. Anh hét lên sung sướng, lôi cha mẹ đang ngủ trong buồng ra xem.

Đêm hôm đó, gia đình Hoàng Hôn và hai người hàng xóm cùng trúng giải đặc biệt có một đêm không ngủ, ai cũng háo hức chờ đến sáng để đi nhận giải. "Chưa bao giờ có nhiều tiền đến thế, cảm giác lâng lâng rất lạ", chàng trai kể.

Ngoài việc nhận hơn 1 tỷ đồng từ giải đặc biệt, Hoàng Hôn còn được bà ngoại thưởng cho 100 triệu, anh Dũng cho 10 triệu, bà Chín cho 1 triệu đồng như đã hứa trước khi mua số. "Tất cả tiền, tôi đều để mẹ giữ giúp", Hôn cho biết.

Sau một đêm, có đến 4 gia đình ở khu vực quanh chợ Cái Răng trở thành tỷ phú khiến dư luận xôn xao. Người đàn ông 37 tuổi trước làm nhân viên cửa hàng bán gas, nay nghỉ việc để xả hơi một thời gian rồi đầu tư tiền làm ăn chỗ khác. Người phụ nữ 50 tuổi bán hàng rong nay chẳng cần làm gì vẫn có cái ăn, nhờ tiền lãi đều đều hàng tháng gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Còn chàng trai bán vé số vẫn đều đều công việc như trước. "Nghỉ được một hôm sau khi trúng giải đặc biệt, tôi lại đi bán vé số, sáng 6h đến đại lý lấy vé, rong ruổi bán đến 22h mới về", Hôn thuật lại.

Không như một số người khi trúng giải đặc biệt sẽ mua sắm nhiều thứ cho thỏa ước mơ, Hôn chỉ xin mẹ mua một chiếc điện thoại mới giá 500.000 đồng, nghe được nhạc để thay chiếc điện thoại "cùi bắp" anh đã dùng mấy năm. Ngoài ra, anh mua thêm 3 bộ quần áo mới đơn sơ để mặc ra đường bán vé số đỡ bị nắng hơn.

Công việc của ba mẹ Hôn, sau khi đã trở thành tỷ phú cũng không có gì thay đổi. Hàng ngày ông bà đi đến phường Ba Láng, cách nhà khoảng 5 km, mua thịt lợn về chợ Cái Răng bán, sáng đi sớm, đến khoảng 20h mới về đến nhà.

Ông Hứa Huệ Hương (50 tuổi, bố Hoàng Hôn) cho biết, gia đình trước đến nay rất nghèo, không ruộng vườn, con trai lớn là Hôn đi bán vé số, con trai út đi lượm ve chai ở nội thành Cần Thơ. Cả gia đình làm việc quần quật nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng.

Trước khi trúng độc đắc, gia đình nợ vài chục triệu, chưa biết khi nào mới trả nổi. Sau khi gặp "thần Tài", gia đình đã trả hết nợ, mua thêm xe máy Air Blade hơn 40 triệu; mua gạo thịt làm từ thiện, phát lộc cho những gia đình nghèo xung quanh.

Số tiền còn lại họ gửi ngân hàng rồi tiếp tục công việc và cuộc sống như trước. "Khổ quen rồi, nay sướng không được, tay chân ở yên là thấy khó chịu nên cứ phải đi làm như bình thường, kiếm được đồng nào hay đồng ấy", ông Hương nói. Dự định, thời gian tới gia đình sẽ xây lại căn nhà mới đẹp hơn, vì hiện giờ cả bốn người đang sống trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, cũ nát, chật chội.

Nỗi lo lắng nhất lúc này của ông bà là việc lấy vợ cho Hoàng Hôn, dù anh mới 26 tuổi. Một số người trong vùng cho rằng Hôn "có chút vấn đề về nhận thức", có biểu hiện "thiểu năng trí tuệ". "Cứ ai khen là nó thích lắm, gì cũng làm, cả những công việc nặng nhọc như khuân vác", một hàng xóm cho biết. Người khác thích thú cho hay: "Nó như vậy mà thích nhiều cô lắm, lại toàn thích nhưng cô xinh thôi".

Chàng trai cười khi nghe những lời nhận xét này. Anh cho hay mới học hết lớp 4, biết đọc, biết viết những từ đơn giản. Tiền anh không biết tiêu, chỉ tiêu được tiền chục nghìn để uống cà phê, mua nước giải khát; tiền trăm nghìn khi mua vé số. Bao nhiêu năm nay, mỗi ngày bán hết 80 tờ vé số sẽ kiếm được 80.000 - 100.000 đồng, anh chỉ giữ lại 30.000 đồng uống nước, còn lại đều gửi mẹ.

Nhắc đến chuyện tình yêu, tỷ phú tủm tỉm cười nói rằng, từng yêu nhiều người nhưng chỉ là yêu đơn phương: "Toàn các em xinh, mà chẳng ai yêu lại mình hết". Anh còn tiết lộ "bí mật", hiện thương thầm một cô bé 17 tuổi dễ thương, là nhân viên một quán cà phê gần chợ Cái Răng. Nhắc đến việc lấy vợ, chàng trai cười: "Đợi ba má xây nhà xong rồi mới tính".

Theo Pháp luật Việt Nam.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Hạnh Phúc Của Thầy Giáo Mù.

Bằng nỗ lực của bản thân, anh Nguyễn Trường Thanh đã học hết đại học và có hơn 15 năm dạy chữ nổi và tin học cho người khiếm thị.

 Tuổi thơ bất hạnh.

Quê gốc anh Nguyễn Trường Thanh ở giữa phố cổ phồn hoa đất Hà thành. Bố anh là bộ đội vào đóng quân ở vùng rừng núi huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa). Chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã đã đem lòng yêu mến cô gái miền sơn cước xứ Thanh. Hai người làm đám cưới và có với nhau được 3 người con trai.

Anh Nguyễn Trường Thanh là đứa bé sinh đôi trong lần sinh nở thứ 2. Vì sống ở miền rừng núi, khó khăn đủ thứ, người dân chủ yếu sống nhờ củ mài, củ sắn hay những ngọn rau má, mẹ anh lại bị hậu sản nên sau khi sinh đôi bà đã qua đời.

Nhớ về những ngày tuổi thơ bất hạnh, giọng anh Nguyễn Trường Thanh chùng xuống, anh bùi ngùi kể: "Sau ngày mẹ tôi mất, thương ba đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ, bố bận việc trong quân ngũ, bà nội vào Thanh Hóa đón ba anh em tôi ra Hà Nội sống. Nhà bà nội tôi hồi ấy cũng nghèo lắm, các cô, các chú tôi vẫn còn nhỏ, chưa giúp được gì bà tôi nhiều,  hơn nữa ông nội tôi lại ốm nằm liệt giường. Lại thêm 3 đứa cháu còn quá nhỏ, mồ côi mẹ, lại ốm đau luôn, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó hơn.

Do thiếu sữa mẹ và anh em tôi khóc quá nhiều vì nhớ mẹ, nhà lại quá nghèo nên hai anh em (anh Thanh và người anh sinh đôi - PV) đều bị hỏng mắt. Người anh của tôi hiện đôi mắt đã được chữa khỏi, còn tôi thì đã mù hoàn toàn và không thể chữa được".


Cuộc sống khó khăn, bà cháu nương tựa vào nhau. Anh Thanh lớn lên trong tình yêu thương của bà nội và mọi người trong gia đình. Do còn nhỏ, anh chưa ý thức được mình thiệt thòi hơn so với chúng bạn thế nào. Năm tháng trôi đi, đến tuổi đi học anh cũng nhận thấy sự khác biệt giữa bản thân với bạn bè.

"Lên sáu, bảy tuổi, tôi đã lờ mờ thấy được sự khác biệt giữa mình với những đứa trẻ cùng trang lứa. Trong khi đám trẻ cùng nhau chơi vui thì tôi thấy mình chậm chạp và không biết chơi cùng các bạn như thế nào. Từ đó trở đi, tôi càng cảm nhận rõ hơn về sự bất hạnh mà tật nguyền gây ra cho mình".

Bỗng một hôm, anh Thanh rất bất ngờ trước người khách lạ đến nhà hỏi anh có muốn đi học không. Dù chưa hiểu học là gì, nhưng anh đã gật đầu vui mừng đồng ý vì đơn giản được ê, a như chúng bạn trong khu phố. Sau này, anh mới biết vị khách hôm đó chính là một cán bộ của Hội người mù thành phố.

Hàng ngày, người anh dắt đứa em mù đi từ phố Gia Ngư (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến trường dành cho trẻ em khiếm thị ở phố Hàng Phèn, Lạc Trung để học. Anh bắt đầu đi học như bao nhiêu những đứa trẻ khác chỉ có điều học chữ Braille, chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Nhớ những ngày đầu học chữ nổi rất khó khăn, có lần anh Thanh chán rồi quẳng tất cả sách vở vào góc nhà và ngồi khóc. Không đầu hàng số phận, nghe tiếng các bạn í ới đi học về và chơi đùa mới nhau mà niềm khát khao được hòa nhập với cuộc sống đã thôi thúc Thanh đến trường.

Khi đã sử dụng thành thạo chữ nổi, cậu bé khiếm thị Nguyễn Trường Thanh bắt đầu học văn hóa qua từng cấp học và lên cấp hai thì tới trường với những bạn sáng mắt. "Đến năm cấp hai, tôi học chung với các bạn sáng mắt. Lúc đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi chép. Bởi vì các bạn viết chữ sáng rất nhanh, trong lớp lại chỉ có mình tôi là người mù, nên tôi phải làm sao để theo cho kịp.

Lúc này tôi cũng được biết, chữ Braille có cách viết tắt rất thuận lợi. Thế là, tôi xin học và các thầy cô rất hoan nghênh và nhiệt tình hướng dẫn. Do thấy sự cần thiết phải học để phục vụ ngay lúc bấy giờ, nên tôi đã cố gắng học rất nhanh. Chẳng bao lâu, tôi đã học thuộc hết và áp dụng ngay tại lớp học nên việc học hòa nhập của tôi đã bớt khó khăn đi rất nhiều", thầy giáo Nguyễn Trường Thanh bùi ngùi nhớ lại.

Gia đình hạnh phúc của người thấy giáo khiếm thị Nguyễn Trường Thanh.

Thầy giáo hết lòng vì người đồng tật.

Tốt nghiệp trung học cơ sở và ra trường năm mười bảy tuổi, với bao ước mơ, hoài bão xen lẫn những lo lắng: "Không biết mình sẽ làm gì và sống như thế nào. Có nên học tiếp hay không?". Để không phụ thuộc và là gánh nặng của gia đình, anh quyết định dừng việc học tập để xin đi làm. Anh xin vào làm tại một cơ sở sản xuất tăm tre của người mù tại Hà Nội. Sau đó, anh được Hội người mù Hà Nội  cho đi học khóa đào tạo giáo viên dạy chữ Braille ngắn hạn và cử anh đi dạy xóa nạn mù chữ cho những người cùng cảnh ngộ ở một số địa phương trong nội, ngoại thành Hà Nội.

Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Trường Thanh chia sẻ: "Những ngày đầu dạy chữ Braille cho người mù, tôi không khỏi bỡ ngỡ; bởi đối tượng trong một lớp học có sự chênh lệch rất lớn về trình độ, tuổi tác, kinh nghiệm cuộc sống,.. Nhưng với lòng hăng say lao động, sự nhiệt tình của tuổi trẻ, tình yêu thương người đồng tật, nên tôi đã cố gắng giảng giải, động viên họ học tập. Mỗi khóa học qua đi, tôi lại rút ra được nhiều kinh nghiệm, thu được những kết quả tốt hơn. Tôi thấy mình trưởng thành lên nhiều qua từng năm, từng khóa học".

Nhận thấy bản thân mình một thầy giáo cần phải học cao hơn nữa, anh đã nộp đơn thi lên cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vừa học cấp ba, anh vừa tham gia giảng dạy chữ nổi cho người khiếm thị và tham gia các lớp đào tạo giáo viên dạy chữ Braille cho người mù do Trung ương hội người mù Việt Nam tổ chức. Năm 21 tuổi, anh trúng tuyển làm giáo viên tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Hội người mù Việt Nam đến nay.

Những lúc buồn âm nhạc là người bạn không thể thiếu với người thầy khiếm thị Nguyễn Trường Thanh. Nỗi buồn rồi cũng vơi đi, anh bắt đầu làm quen với máy vi tính. Dần dần, nó đã trở thành niềm đam mê của anh lúc nào không hay. Chiếc máy vi tính đã trở thành người bạn, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp anh kết nối với thế giới.

Cũng chính nhờ chiếc máy, mối tình như mơ của anh với một cô gái khiếm thị từ không quen đến yêu nhau lúc nào không hay. Anh bảo đối với những người khiếm thị hình thức đối tác không quan trọng, mà tâm hồn mới thực sự quan trọng. Thế rồi, hai người đến với nhau bằng một đám cưới đơn giản mà hạnh phúc. Nhắc đến gia đình nhỏ bé hạnh phúc của mình anh Thanh chia sẻ: "Một lần lên mạng, dò tìm những người có vần Th. giống mình họ sống thế nào. Tôi đã gặp được người bạn tên Thắm cũng khiếm thị quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Qua trò chuyện, tôi mới biết nhà Thắm cũng nghèo lắm. Thắm bị hỏng mắt là do lúc mẹ mang thai bị cúm. Chúng tôi đã nên vợ nên chồng, cùng làm việc tại trung tâm này và đã có một đứa con trai năm nay lên 4 kháu khỉnh, đáng yêu".

Có một gia đình hạnh phúc, nhưng chuyện "cơm áo gạo tiền" cũng là một thách thức đối với cặp vợ chồng khiếm thị. Bao nhiêu nhu cầu đơn giản của cuộc sống đều phải tằn tiện, gói gọn trong khoản lương ít ỏi của người thầy giáo khiếm thị khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, từ chuyện thuê nhà, con cái học hành, đến cái ăn cái mặc hàng ngày của cả nhà. Vì thế, sau mỗi ngày làm việc ở trung tâm xong, buổi tối anh Thanh lại tất tả thuê xe ôm chở tới dạy tin học cho những người khiếm thị ở những trung tâm khác.

Cuộc sống tuy vất vả, nhưng bản thân anh vui vì giúp được những người đồng tật như mình biết chữ và kiến thức tin học cơ bản để hòa nhập với cộng đồng thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Đặc biệt, sau một ngày lao động vất vả, anh được về với gia đình nghe tiếng gọi bi bô "bố ơi" bao nhọc nhằn tan biến hết.
                                            
 "Những người mù đang còn trong độ tuổi lao động, học tập, nhất thiết phải được học chữ Braille. Bởi chữ Braille chính là phương tiện, điều kiện hữu ích nhất giúp người mù học tập, lao động và giúp người mù trở thành những người thực sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi nhắc nhở bản thân mình và học viên khiếm thị, luôn trân trọng từng giây, từng phút của quá khứ để khi sống hiện tại thì mình sẽ cảm nhận rõ nét hơn những niềm vui, niềm hạnh phúc bên người thân và bạn bè” , thầy giáo Nguyễn Trường Thanh nói.

Thiên Vũ

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Vẽ Đẹp Vầng Trăng Khuyết.

Lê Thị Thúy Đoan đi thi hoa hậu. Cái tin ấy làm nhiều người ở ngõ 402, đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được vì Đoan là người khuyết tật, câm điếc bẩm sinh.





Thí sinh khuyết tật Lê Thị Thúy Đoan với công việc thường ngày là thợ may. Ảnh: tâm lụa.

Buổi sáng một ngày cuối tuần, đoàn ba người trong ban giám khảo đến nhà Đoan để chụp hình và phỏng vấn cho vòng chung kết. Đoan đứng dưới giàn bầu xanh mướt trước sân, tự tin cười duyên dáng và làm theo hướng dẫn của nhiếp ảnh gia. Đứng trên bậc thềm nhìn con gái, mẹ Đoan vừa cười vừa lấy tay lén lau nước mắt.

Vẽ cuộc đời bằng sự khiếm khuyết.

14 tháng tuổi, Đoan được mẹ đưa đi khám. Cả gia đình chết lặng khi bác sĩ bảo Đoan bị câm điếc bẩm sinh. Đoan lớn lên trong thế giới câm lặng của mình. Khi đau ốm, Đoan phải khóc để bố mẹ biết. Lớn lên Đoan dùng tay, biểu cảm khuôn mặt cũng không đủ diễn đạt cho mẹ hiểu tâm tư của mình. Cho đến bây giờ, bà Nguyễn Thị Thuyên (mẹ Đoan) vẫn rưng rưng nước mắt khi nhắc lại câu hỏi mà ngày còn bé Đoan thường viết ra giấy: “Sao cùng bố mẹ mà chị và em út nghe nói được, còn con thì không?”.

"Điều mình thấy khó khăn nhất là phải tổ chức như thế nào để khơi được nét đẹp trong tâm hồn các bạn, để các bạn không còn tự ti về khiếm khuyết của bản thân. Cuộc thi cũng gặp khó khăn về kinh phí.

Xin 10 triệu đồng để mua hai chiếc xe lăn tặng cho người khuyết tật vận động thì rất dễ, nhưng bảo xin để tổ chức cuộc thi hoa hậu, hay tạo sân chơi cho người khuyết tật thì người ta rất e dè"

Anh Trịnh Công Thanh.

Thương con, bố Đoan tìm các câu lạc bộ người khiếm thính cho con tham gia. Ông chở con gái đi tham gia các hoạt động của câu lạc bộ, rồi cho con đi học lớp ngôn ngữ ký hiệu. Đoan tự mày mò học vi tính, biết về cuộc thi hoa hậu dành cho người khuyết tật mang tên “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”,  Đoan đăng ký tham gia.

Cũng như Đoan, gần 70 thí sinh trên cả nước tham gia cuộc thi này đều là người khuyết tật. Nhưng nhìn vào hồ sơ của 70 thí sinh ấy, người ta quên ngay hình ảnh các thí sinh phải ngồi xe lăn, cụt mất một cánh tay hay đôi chân teo tóp, chỉ còn đọng lại nụ cười rất tươi, sự lạc quan và khao khát có thể đóng góp được điều gì đó cho cộng đồng.

Trong lời tâm sự của mình gửi về ban tổ chức cuộc thi, Nguyễn Thị Thu Huyền (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) viết: “Cơn sốt năm 1 tuổi làm tôi bị liệt cả hai chân, có lẽ suốt đời cuộc sống của tôi sẽ gắn liền với chiếc xe lăn. Tôi lớn lên với mặc cảm bởi sự kỳ thị mà mọi người dành cho mình. Họ bảo tôi bệnh thế này học cao làm gì.

Mẹ là người đã cõng tôi đi học, từ cấp I, cấp II, cấp III và lên cao đẳng. Nếu mình không may mắn được sinh ra bình thường như bao người khác thì phải cố gắng hơn rất nhiều lần. Tôi tốt nghiệp bằng cử nhân công nghệ thông tin loại giỏi. Tôi luôn học cách yêu bản thân, vượt qua chính mình và luôn tin rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế. Tôi tham gia cuộc thi để mọi người có cái nhìn khác hơn và hòa đồng hơn với cộng đồng người khuyết tật. Họ cần nhận được sự khích lệ của xã hội. Nếu được vào top 10, tôi sẽ thể hiện tài năng ca hát, ngoài ra tôi biết chơi đàn piano nữa...”.

Yêu người, yêu đời.

Không ít thí sinh đã tròn mắt ngạc nhiên khi gặp và biết thành viên ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi cũng là người khuyết tật: nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh (ban giám khảo) bị cụt mất một cánh tay, anh Trịnh Công Thanh (Hội Người khuyết tật Hà Nội, ban tổ chức) đã cắt bỏ một chân và phải dùng chân giả vì bệnh ung thư xương... Cũng không có cuộc thi hoa hậu nào mà ban giám khảo phải “chạy theo” thí sinh như cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. 15 thí sinh vào vòng bán kết lẽ ra phải về Hà Nội thì ban tổ chức lại lặn lội đến tận nhà thí sinh để phỏng vấn và chụp ảnh. Nhiếp ảnh gia Đăng Thanh chia sẻ một điều giản dị: “Các bạn đều là người khuyết tật, đi lại vất vả tốn kém, thôi thì mình chịu khó một chút vậy...”.

“Chịu khó” như suy nghĩ của ông Đăng Thanh là nửa tháng cùng với anh Trịnh Công Thanh và anh Bùi Thế Hùng (Hội Người khuyết tật Hà Nội) gần như ăn ngủ trên xe để đến nhà thí sinh phỏng vấn cho kịp lịch trình. Khuya nay ông vừa ở TP.HCM về, sáng mai đã đi phỏng vấn ba thí sinh ở Hà Nội, chiều lại ra thẳng bến xe để đón xe đi Quảng Ninh gặp thí sinh khác. Ông Đăng Thanh cũng như các thành viên trong ban tổ chức làm việc miệt mài, tận tụy như thế mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào, chỉ với mong muốn “làm được điều gì đó động viên tinh thần cho cộng đồng người khuyết tật”.

Cần những tấm lòng.

Một cuộc thi với điểm xuất phát chỉ có tấm lòng, không có kinh phí, không có nhà tài trợ, không có một công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp... Anh Trịnh Công Thanh viết dự án rồi nhờ bạn bè, người quen, mỗi người giúp một việc: Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) nhận lo phần thiết kế, trang trí sân khấu đêm chung kết, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIH) thì đi xin kinh phí, phụ trách phần hình ảnh cuộc thi thì do ông Đăng Thanh, Hội Người khuyết tật Hà Nội lo phần tổ chức. Ngày 14-4 được chọn là đêm chung kết vì đó là đêm duy nhất mà khách sạn Melia rãnh khách và cho mượn địa điểm miễn phí.

Khó khăn, nhưng với tấm lòng và sự chung tay của mọi người, việc chuẩn bị cho đêm chung kết đã dần hoàn tất. Các thí sinh ai cũng háo hức. Bà Thuyên kể chưa thấy khi nào Đoan vui và cười nhiều như khi tập múa chuẩn bị cho cuộc thi. Nếu được vào đêm chung kết, Đoan sẽ thể hiện phần thi năng khiếu của mình là múa. Đoan không nghe được nhạc, nhưng với sự giúp đỡ của bạn bè, Đoan đang tập múa trên nền nhạc một bài hát.

Anh Thanh đã tìm được một bạn hỗ trợ để phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho Đoan trong đêm chung kết. Anh cũng phải tính cả những việc đơn giản nhất như bố trí sân khấu, tìm địa điểm nào thích hợp nhất để các cô gái vận động ở nhiều dạng khác nhau có thể di chuyển dễ dàng. Rồi lưu ý việc các thí sinh sẽ rất dễ bị ngã khi di chuyển, tình nguyện viên cho cuộc thi cũng phải tìm người rất gần gũi với người khuyết tật... Hàng trăm nỗi lo có tên và không tên như thế đã được mọi người trong ban tổ chức hóa giải, chỉ nhờ có tình yêu thương và những tấm lòng!

TÂM LỤA - VŨ TUÂN