Ngôi Sao May Mắn

Hạnh phúc và bình an trong chúa.

Tấm Gương Sáng

May Mắn, hạnh phúc, vui vẻ, bình an, niềm tin và hy vọng.

Mẹo Vặt Cuộc Sống

Tiết kiệm thời gian và rắc rối nè.

Sản Phẩm

Sản phẩm thiết thực là sản phẩm mọi người muốn và cần.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Bánh Su Trực Tuyến Với Chàng Trai Trẻ Khởi Nghiệp

Gần 5 năm trước, Lưu Nam Phương được giới sưu tầm điện thoại cũ biết đến như một nhà thu mua và cung ứng các loại điện thoại "second-hand" tầm trung trên các diễn đàn về thiết bị di động.

Song, sự phát triển nhanh chóng của nhiều hãng điện thoại đã khiến Phương nghĩ đến một phương án kinh doanh khác. Và thương hiệu bánh su kem Nam Phương ra mắt người tiêu dùng.
 
Lưu Nam Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Phương

Trong khi bạn bè đồng lứa còn đang "dùi mài kinh sử" trên ghế nhà trường thì cậu sinh viên Trường Cao đẳng Cao Thắng Lưu Nam Phương đã lập được nhiều "kỳ tích".

Đam mê công nghệ thông tin, đặc biệt là mô hình tiếp thị trực tuyến, song lý thuyết học được từ trường lớp không mấy hấp dẫn đối với cậu sinh viên năm nhất này.

Lưu Nam Phương đã tìm đến những công ty bán hàng đa cấp để học cách tiếp cận khách hàng, cách tiếp thị thực tế, và đến những công ty chuyên cung cấp sỉ hàng hóa để học cách tiếp thị với những nhà bán lẻ, đồng thời tham gia khóa đào tạo nghề sửa điện thoại di động.

Mới học nghề được một tuần, Phương đã bắt đầu tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sửa điện thoại, mua lại những chiếc điện thoại hư bằng số tiền bán chiếc xe máy đang đi để có điện thoại thực hành, sau khi sửa xong thì bán lại cho khách có nhu cầu mua điện thoại xài rồi giá rẻ.

Những lỗi cơ bản, Phương tự sửa, còn những "ca khó” Phương nhờ sự trợ giúp miễn phí từ phòng kỹ thuật của nhà trường. Bằng cách làm này, sau 6 tháng ra trường, Phương đã có đủ vốn để mở một cửa hàng chuyên thu mua, sửa chữa điện thoại di động, chép nhạc và bán lại theo hình thức mua trực tiếp, bán trên mạng và ngược lại.

Việc buôn bán khá trôi chảy đã giúp Phương mở được cửa hàng thứ hai một năm sau đó. Thế nhưng, với sự phát triển ồ ạt của nhiều hãng điện thoại, trào lưu sử dụng điện thoại "second-hand" không còn thịnh hành.

Với bản tính năng động, Phương nhanh chóng chuyển sang kinh doanh bánh mỳ và tìm đến những công ty tổ chức tour du lịch hay các sự kiện đề nghị làm nhà cung cấp. Song theo Phương, đây cũng chưa phải là phương án kinh doanh tốt cho một tương lai xa.

Để tìm hướng đi ổn định, Phương nghĩ đến việc xây dựng mô hình công ty với cách làm bài bản. Lúc này, có không ít kế hoạch kinh doanh được Phương cân nhắc, vì với số vốn ít ỏi thì phải tính toán cẩn thận để tránh rủi ro.

Khoanh vùng trong lĩnh vực ẩm thực, nhưng có quá nhiều món ăn, thức uống, nên chọn kinh doanh món gì cũng không dễ. Bất chợt Phương nghĩ đến món bánh su kem mình ưa thích, vì có thể ăn một lúc 10 chiếc bánh mà không thấy ngán.

Thăm dò ý kiến một số người, Phương thu được kết quả khá khả quan: số đông cho biết họ thích loại bánh này vì dễ ăn và ít ngán. Thế là Phương bắt đầu những tháng ngày tìm tòi công thức cho chiếc bánh su kem mang thương hiệu Nam Phương.

Phương "tầm sư học đạo" từ những đầu bếp có tiếng, học phí đắt đỏ khoảng vài triệu đồng hướng dẫn trong vài giờ đến những thợ làm bánh bình dân. Thế nhưng, những gì Phương học được chỉ là công thức na ná nhau và ai cũng có thể làm, không có gì đặc trưng.

Với quyết tâm tự tạo ra sản phẩm theo công thức của riêng mình, Phương đã ngày ngày mày mò làm và hư bỏ cũng nhiều. Thành quả cuối cùng khi ra mắt người tiêu dùng đã tương đối hoàn hảo là vào đầu năm 2011. Lúc này, Phương mua tên miền và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.

Ngoài cửa hàng tự mở, Phương còn chọn phương thức đặt tủ bánh tại nhiều quán trà sữa nhằm thu hút nhiều người tìm đến với bánh su kem Nam Phương hơn.

Đến nay, mỗi ngày, những chiếc bánh su Nam Phương đưa ra thị trường vẫn là một thử nghiệm để có sản phẩm hoàn hảo nhất. Bởi theo Phương, đạt đến sự chuyên nghiệp không dễ, dù chỉ là làm một chiếc bánh.

Trải qua gần ba năm hoạt động, đến nay, Nam Phương đã xây dựng được quy trình chế biến chặt chẽ từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến quy cách bán hàng.

Với số vốn ít ỏi, Nam Phương tận dụng triệt để nhiều phương thức kinh doanh giúp tiết giảm chi phí hiệu quả nhất nhưng không làm giảm chất lượng bánh.

Với hình thức bán hàng qua mạng, Nam Phương đã hợp tác khá hiệu quả với các công ty bán hàng trực tuyến như: hotdeal.com, nhommua.com, cungmua.com, muachung.vn, phạm vi TP.HCM mà còn trải rộng ra các tỉnh khác như: Bình Dương, Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh sắp tới, Phương cho biết, Nam Phương vẫn đang trong quá trình, đẩy mạnh hệ thống phân phối, tuy nhiên, hiện tại Nam Phương chỉ hy vọng sẽ có mặt ở các quán cà phê trong khu vực TP.HCM.

Thế nhưng, khó khăn về vốn vẫn chưa giải quyết được. Nam Phương mong muốn tìm được đối tác cùng kinh doanh, hoặc hỗ trợ để thương hiệu bánh su kem Nam Phương được nhân rộng hơn.

Một số hình ảnh về bánh su kem Nam Phương:



Đỗ Phương

Kiếm Tiền Tỷ Nhờ Trồng Rau Thơm Tây

Trắng tay sau những thương vụ đầu tư bất động sản thua lỗ, bà Phạm Thị Thu Cúc tới thôn Đạ Nghịt (Lạc Dương, Lâm Đồng) trồng rau thơm và thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2006, do kinh doanh nhà đất thất bại, vợ chồng bà Thu Cúc quyết định làm lại từ đầu bằng cách thuê đất làm vườn. Lúc đó, số vốn còn lại rất ít ỏi chỉ đủ thuê một sào đất để trồng hoa ly ly, một loại hoa cao cấp đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Lứa hoa đầu tiên bà Cúc đầu tư trên 100 triệu đồng nhưng do chưa quen cách chăm sóc nên khi thu hoạch bị âm vốn 50 triệu đồng.

Thấy cảnh cùng cực, bạn bè là những chủ doanh nghiệp và doanh nhân rỉ tai nhau giúp đỡ gia đình bà. Không nản chí, bà Cúc tìm đến thôn Đạ Nghịt, thuộc huyện Lạc Dương (cách Đà Lạt 20 km) mua 2.000 m2 đất với giá 50 triệu đồng để mở vườn và tiếp tục trồng hoa ly ly. Ở lứa hoa này bà Cúc thành công vì đã học được cách chăm sóc và bán đúng thời điểm giá hoa tăng cao nên đầu tư hết 194 triệu đồng tiền vốn nhưng lãi tới 250 triệu đồng.

Rau thơm có nguồn gốc từ Pháp trong vườn nhà bà Cúc.

Thấy được tiềm năng và giá đất vùng này lúc đó còn rất rẻ, chỉ 25 triệu đồng trên 1.000 m2, bạn bè tiếp tục cho bà vay mượn hoặc có người với danh nghĩa mua chung đất nên số đất vườn của bà Cúc được mở rộng trên 3 ha. Bà còn nhận giao khoán của Nhà nước 5 ha rừng, trong đó có 1,1 ha là đất làm nông nghiệp.

Năm 2009, khi nhận được đất dự án, bà Cúc bán gần 3 mẫu đất đã mua trước đây, chỉ giữ lại 7.000 m2. Giá đất lúc này đã khá cao vì nhiều người đến đây lập vườn. Quyết định này giúp bà có tiền trả nợ và đầu tư vào trồng rau, hoa trong 1,1 ha đất được nhận của dự án.

Bà nhận thấy trồng hoa ly ly đòi hỏi vốn lớn và cũng lắm rủi ro nên chuyển hướng   trồng các loại rau cao cấp, rau sạch. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống nhưng chưa nơi nào trồng các loại rau gia vị mà họ ưa thích để phục vụ bữa ăn, bà Cúc quyết tâm tìm hiểu.

Nhờ những mối quan hệ sẵn có nên bà có được các loại giống rau gửi từ châu Âu  về trồng thử nghiệm. Các loại rau thơm này thích hợp khí hậu Đà Lạt và chăm sóc cũng đơn giản như rau thơm nội địa cùng loại. Sau 3 tháng, một vài luống rau đã cho thu hoạch, bà tìm tới hệ thống siêu thị Metro đặt vấn đề tiêu thụ. Do thị trường đang rất cần những loại rau thơm cao cấp này nên Metro đặt hàng ngay. Yên tâm có đầu ra, bà mạnh dạn phát triển và sau một năm thì có 4.000 m2 rau thơm giống châu Âu trong vườn.

Thu nhập hàng năm từ trồng rau thơm lên tới gần 2 tỷ đồng.

Hiện Metro ký giá cố định với bà Cúc, loại rau thơm rẻ nhất cũng 50.000 đồng một kg và đắt nhất là 250.000 đồng. Mỗi ngày, 4 sào đất trồng loại rau này có thể cung cấp 30 - 40 kg cho thị trường, thu về 4-5 triệu đồng, tính ra mỗi năm thu về gần 2 tỷ đồng.

Số đất còn lại khoảng 6.000 m2 bà trồng cà chua cũng là những loại giống đặc biệt do đối tác cung cấp với giá bao tiêu cố định 25.000 đồng một kg. Trong khi đó, cà chua Đà Lạt trồng rất bấp bênh, lúc có giá nhất cũng chỉ 7.000-8.000 đồng một kg và có những lúc phải phá bỏ vì rẻ không ai mua. Bà Cúc cũng dành một số đất để trồng rau xà lách, cải pó xôi, bí ngồi… theo quy trình rau sạch và tất cả nông sản của bà đều được Metro tiêu thụ.

Hiện nay, trong vườn rau thơm giống nhập khẩu từ châu Âu của bà Cúc có tới 15 loại như: hương thảo, xạ hương, kinh giới, thì là, húng tây, ngò tây, ngò ri tây, quế  lá nhỏ, so thơm, quế tím…..

Cái khó của việc canh tác các loại rau thơm này là nguồn giống. Các công ty chuyên cung cấp hạt giống trong nước không nhập các loại giống rau thơm này vì không có người canh tác. Một mình vườn của bà Cúc thì quá ít nên không hấp dẫn với các công ty cung cấp hạt giống. Nguồn giống rau của bà Cúc hiện nay là nhờ người quen ở Pháp mua giúp và được chuyển về theo đường xách tay hoặc bưu điện.

Một số khách hàng đã tìm đến vườn rau của bà để tham quan và đặt vấn đề cung cấp xuất khẩu nhưng số rau của bà mới chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước. Hiện chưa có nhà vườn nào trồng những loại rau mà phải nhập hạt giống từ nước ngoài như bà. Thị trường cho loại rau này đang rất tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn nguồn giống và chưa liên kết được các hộ nông dân.

Bà Cúc cho biết, sắp tới sẽ mở rộng ra 7.000 m2 đất của gia đình mua trước đây  nhưng chưa có điều kiện canh tác. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người từng làm kinh doanh, bà chia sẻ: "Cả chục năm nay lúc nào tôi cũng đang vay nợ, có những khoản nợ dẫn tới gia đình trắng tay, khánh kiệt như trước đây. Nhưng chuyện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất như hiện tại thì tôi tin nó rất an toàn trên một cái nền đã vững".

Từ một người kinh doanh môi giới bất động sản, nay bà Cúc ngày ngày ra vườn rau làm đủ mọi việc cùng với nhân công. Hàng ngày bà tự lái chiếc xe tải nhẹ đi giao hàng cho điểm thu mua rau của Metro tại huyện Đức Trọng, cánh trang trại của bà 40 km. Bà Cúc thổ lộ, đã quyết định gắn sự nghiệp với rau, hoa nên hơn một năm trước bà mạnh dạn xây căn biệt thự trong trang trại ở một vùng còn khá heo hút này và đưa cả gia đình về đây sinh sống.

Quốc Dũng

Trồng Cam Mua Camry

Gần chục năm trước họ là những nông dân nghèo, nhưng sau đó họ đã trở thành những tỷ phú. Cây cam và sức lao động, sự sáng tạo của những người dân ở thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) đã làm nên “phép màu” này.

Chiếc xe Camry 2.4 giá hơn 1 tỷ đồng mà ông Tạ Đình Đào mua từ tiền bán cam hồi đầu năm.

Đất lành… cam ngọt

Cam Cao Phong nổi tiếng bởi có vị ngọt thanh, thơm đặc trưng, vỏ mỏng và đặc biệt tương đối sạch, vì được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Hồng Thủy – Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, thì cây cam đã trồng ở đây từ năm 1964, khi vừa thành lập Nông trường Cao Phong, với các giống cam chủ yếu như cam Xã Đoài, cam V2, cam Canh... Hồi đó ở Cao Phong có đến hàng trăm hộ trồng cam, tổng diện tích hàng trăm ha. Mặc dù chưa có thương hiệu như bây giờ, nhưng với chất lượng ngon khó có vùng cam nào sánh bằng, cam Cao Phong đã từng là mặt hàng chính của Hòa Bình xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu, đây cũng là thời “hoàng kim” của cam Cao Phong.

Sau khi Liên Xô tan rã, vùng cam Cao Phong cũng “tan rã” theo, vì không có đầu ra và cây cam từ cây làm giàu, bỗng thành cây “hóa nghèo” của người dân nơi đây. Cam đến vụ chín đỏ cây, không bán thì tiếc, bán cũng tiếc, vì giá cam quá rẻ, nhiều nhà “găm” chờ giá lên, nhưng càng chờ giá càng tụt giảm, thế là họ đành để cho cam chín rụng. Nhiều hộ không kham nổi đã phải chặt bỏ cam để trồng cây trồng khác.

Từ năm 1993, cây cam ở Cao Phong đã được khôi phục lại, nhưng thời điểm phát triển mạnh nhất là từ năm 2004 đến nay. Hiện cả thị trấn có khoảng 521ha cam, trong đó 332ha đã cho thu hoạch, ước chừng sản lượng đạt gần 10.000 – 15.000 tấn/năm, nhiều nhà có đến 5 – 6ha cam, thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sở dĩ cam Cao Phong ngon, bởi chất đất ở đây rất màu mỡ, tơi xốp, khí hậu lại ôn hòa, mưa gió vừa phải. Với sự nỗ lực của tất cả những người dân nơi đây trong việc quảng bá, chăm sóc để có một quả cam ngon, sạch, tháng 6.2010 cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt. Nhờ đó mà giá trị của quả cam đã tăng gấp đôi trước (từ 15.000 – 18.000 đồng lên 30.000 – 35.000 đồng/kg). Vì thế, đời sống của người dân ngày một khấm khá.

Chiếc xe Camry 2.4 giá hơn 1 tỷ đồng mà ông Tạ Đình Đào mua từ tiền bán cam hồi đầu năm.

Trồng cam mua Camry

Về Cao Phong, tôi được những người từ đói nghèo nhờ cam mà thành tỷ phú. Trong vô vàn những câu chuyện, tấm gương ấy, tôi thực sự ấn tượng với câu chuyện lập nghiệp của ông Tạ Đình Đào ở khu 5B và anh Bùi Văn Tiến khu 3, thị trấn Cao Phong.

Ông Đào cho hay: “Từ 2 bàn tay trắng, tôi đã đổ công sức vào cây cam. Năm ngoái tôi thu 150 tấn cam, giá trung bình từ 25.000 – 33.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, thu về hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 2 tỷ đồng”. Tự thưởng cho công sức, sự may nắm của mùa cam bội thu, đầu năm 2013 ông đã bỏ ra 1,3 tỷ đồng tậu con xe Toyota Camry 2.4 mới coóng để làm phương tiện đi lại.

Tỷ phú cam Bùi Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong cũng có hoàn cảnh tương tự ông Đào. Ông Tiến cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, nhưng nhờ nghị lực, cần cù lao động, sau hơn 10 năm gắn bó với cây cam, nay ông đã thực sự đổi đời. “Hiện tôi có gần 10ha cam, 5ha đã cho thu hoạch. Vụ cam năm ngoái vừa được mùa, được giá, với gần 120 tấn cam, giá 30.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 2 tỷ đồng. Vụ cam năm nay nếu giá 30.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu khoảng hơn 3 tỷ đồng”.

Không chỉ xây nhà biệt thự hoành tráng, năm ngoái, ông Tiến cũng đã tậu một con “xế hộp” ngót tỷ đồng. Ngoài tỷ phú cam Tạ Đình Đào, Bùi Văn Tiến, ở thị trấn Cao Phong còn phải kể đến những cái tên như: Đặng Thị Thu, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Thế Bình… đều là những người có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ cam.

Theo Dân Việt

Làm Rẫy: Sắm Ôtô Bạc Tỷ

Từ số vốn ít ỏi, nhờ chịu khó “cày cuốc”, ông Y On Niê - hội viên nông dân buôn Sứt, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư MGar, Đăk Lăk giờ đây đã có thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm và có thể tự mua cả xế hộp đắt tiền.

Cũng như bao chàng trai Ê-Đê khác, sau khi lập gia đình, Y On Niê được bố mẹ chia cho một mẫu rẫy. Quanh quẩn với cây sắn cây ngô, cuộc sống gia đình của Y On chẳng những không khá lên mà ngày càng khốn khó khi các con lần lượt ra đời. Thương vợ khó nhọc, năm 1994, Y On quyết định thôi “chân” y tế xã về nhà cày cuốc. Nhận mấy triệu đồng nhờ nghỉ hưu sớm, ông bàn với vợ đầu tư trồng cà phê. Với quyết tâm thay đổi phận cơ hàn, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, Y On động viên được vợ “đi sớm về hôm”. Ông kể: “Chỉ vì chuyện đi làm sớm mà vợ chồng tôi nhiều lần to tiếng. Đồng bào trong buôn vẫn cứ giữ cái thói quen xưa nay, đi làm muộn nhưng về rất sớm, thành ra vợ tôi bất bình”.

Ông Yon Niê bên xế hộp bạc tỷ.

Ông Y On Niê bảo: “Ngày ấy, vất vả của chúng tôi khó mà kể hết. Bất kể nắng mưa, trời chưa bảnh mắt vợ chồng đã dắt díu nhau, lưng địu con, tay vác cuốc lên rẫy, quần quật đến tối mờ bàn tay mới lủi thủi về nhà”. Hồi mới trồng cà phê, Y On Niê mù tịt về kỹ thuật.

Vậy nên, cùng với việc cày cuốc trên rẫy, hàng đêm, Y On “cày” với đống sách, báo, tài liệu về kỹ thuật nông nghiệp, tìm những người thạo cách trồng cà phê để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, Y On Niê tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân tổ chức. Đất chẳng phụ công người, sau nhiều năm cơ cực, nhà Y On Niê đã có cái ăn của để.

Tiền tích lũy được Y On Niê mua thêm đất đai mở rộng sản xuất. Cứ như thế, đến năm 2005, trong tay ông đã có hơn 20 ha cao su, 8 ha cà phê kinh doanh cùng một trang trại nuôi hàng chục con heo. Hàng năm, thu nhập gia đình ông lên đến gần 3 tỷ đồng. Tính ra, mỗi tháng một người trong gia đình ông có thu nhập gần 30 triệu đồng.

Ông còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn. Nhiều hộ nghèo được ông hỗ trợ hàng chục triệu đồng để xây dựng nhà cửa, giúp nhiều gia đình hội viên nông dân thoát nghèo. Tất cả các hoạt động xây dựng thôn buôn giàu mạnh, ông luôn là người đi đầu với những đóng góp không nhỏ.

Từ những thành tích ấy 5 năm gần đây, năm nào gia đình ông cũng đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Gia đình ông cũng đã được nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Giờ đây, nhà Y On Niê đã xây nhà khang trang, tiện nghi đủ đầy, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Ông đã sắm xe hơi có giá bạc tỷ để đi… thăm rẫy.

Hỏi về bí quyết làm giàu, ông chia sẻ: “Trước tiên phải siêng năng, biết tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất, mạnh dạn làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Song, nếu không có kiến thức, không nắm vững khoa học kỹ thuật thì không thể sản xuất hiệu quả”.

Theo Dân Việt

Nuôi Gà Đẻ Trứng Thu Nhập Gần 8tỷ Đồng/Năm

Từ tay trắng, giờ đây vợ chồng ông Nguyễn Quý Thảo (khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ nuôi gà đẻ trứng.

Sinh 5 đứa con, vợ chồng chủ yếu kiếm sống từ mấy đám ruộng, nên gia cảnh đã qua nhiều năm tháng nghèo khó. Năm 1997, tích góp được ít tiền, vay mượn thêm bà con họ hàng, vợ chồng ông mua 100 con gà giống về nuôi. Nhờ chăm lo chu đáo, gà đẻ trứng nhiều, vợ chồng ông bắt đầu có lãi.

Thấy được hiệu quả, ông đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi. Từ 100 con, rồi 200, 500, 1.000 con... thu nhập của vợ chồng ông theo đó cũng tăng lên. Các khoản nợ được ông thanh toán hết.

Ông Thảo thu trứng gà ở trang trại của mình.

Năm 2008, được cho thuê 2,7ha đất tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân để làm trang trại. Năm 2009, tôi đầu tư gần 3,5 tỷ đồng làm trang trại khép kín trên diện tích 5.000m2. Ông vay thêm ngân hàng để đầu làm 5 nhà nuôi gà, mua máy xay xát, con giống, đào ao thả cá... Hiện, trang trại của ông thường xuyên có 15.000 gà đẻ trứng.

Ông còn nuôi gối đầu 5.000 gà con giống và đào ao thả cá trê lai, trồng cây ăn quả, thả vịt… Theo ông Thảo, với giá trứng hiện nay, mỗi tháng doanh thu của ông trên 650 triệu đồng, mỗi năm gần 8 tỷ đồng.

Theo Dân Việt

Gặp Gỡ Cô Nàng 9x Học Thời Trang Kinh Doanh Giỏi

Chủ nhân của thương hiệu Jagi là cô nàng 9x của học viện Thời trang London Hà Nội.

Lâu nay, chúng ta hay nghĩ nhà thiết kế thời trang là người chỉ vẽ mẫu sản phẩm, nhưng với nhu cầu khắc nghiệt của sự phát triển thời trang trên thế giới, đòi hỏi một nhà thiết kế thời trang phải thành thạo mọi khâu trong nghề từ ý tưởng, may mẫu, sản xuất cho đến việc làm marketing, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Cùng gặp gỡ cô nàng 9x Xi Trum (Nguyễn Lan Hương) để tìm hiểu bí quyết vừa học thời trang vừa kinh doanh thời trang của cô.

Sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp thời trang, đòi hỏi NTK thời trang phải biết làm mọi khâu để ra sản phẩm.

- Lý do nào khiến bạn khởi nghiệp kinh doanh thương hiệu Jagi? Với một cô gái trẻ như bạn, gia đình có phản đối với kế hoạch này?

- Trước khi học ở LCFS Hà Nội, mình đã mở một cửa hàng bán đồ chuyên nhập từ Trung Quốc về. Tuy nhiên từ trải nghiệm những bài học về thời trang chuyên sâu, được đào tạo bài bản, mình có thêm nhiều hiểu biết về thời trang cũng như có thêm nhiều kiến thức về các ngành liên quan đến thời trang nên mình đã thay đổi suy nghĩ. Hết kỳ học thứ hai thì mình đã táo bạo quyết định mở cửa hàng thời trang với mục đích chỉ tập trung thiết kế đồ tên Jagi Design để thử sức xem mình học được như nào, áp dụng thực tế được bao nhiêu. Đây là nhãn hàng thiết kế, với mục tiêu đem đến cho các bạn nữ những bộ trang phục hết sức trẻ trung, năng động và hợp thời trang.

Về phía gia đình, mình được mọi người hoàn toàn ủng hộ. Mình mở cửa hàng bằng chính tiền mình kiếm được nên cả nhà đều vui vẻ; muốn mình tiến về phía trước với ước mơ đã được gọi tên. Khi đó mình cảm thấy vừa hồi hộp, lo lắng, vừa hạnh phúc.

Xi Trum là một trong những sinh viên được giảng viên học viện Thời trang London Hà Nội đánh giá cao.

- Đây đúng là một quyết định táo bạo với một cô gái trẻ. Vậy bạn có gặp khó khăn gì khi vừa học vừa kinh doanh không?

- Điều khó nhất mà mình thấy khi vừa học vừa kinh doanh chính là việc bố trí thời gian phù hợp để làm được cả hai. Vấn đề này mình cũng mất rất lâu mới giải quyết được. Làm thế nào để có thời gian cắt, tìm vải, làm mẫu, duyệt mẫu cho cửa hàng mà vẫn có đủ thời gian để có thể hoàn thành các bài tập của khoá học không hề dễ chút nào.

- Đó là một khó khăn rất lớn nhưng bạn đã khắc phục được. Thu nhập bạn có được khi vừa học thiết kế thời trang vừa kinh doanh thời trang như thế nào?

- Mình là một trong hàng ngàn người đam mê thời trang và mình nghĩ mình thật sự may mắn vì được theo học ở LCFS Hà Nội. Đây là một ưu thế. Mình có thế thử sức từ những gì mình thiết kế trên lớp, nghiên cứu xu hướng và biến đổi cho phù hợp với nhu cầu thị trường và bán thử. Xu hướng thời trang "Corset" là một ví dụ điển hình của mình đã rất thành công trong mùa hè này. Câu chuyện bắt đầu là, học kỳ 4, mình được học làm Corset. Hết kỳ mình làm 2 mẫu để bán thử và cũng thật bất ngờ là cả 2 mẫu đều bán hết rất nhanh.

Thực hành chiếm rất nhiều thời gian trong khóa học Thiết kế thời trang, từ học kỳ 1 các bạn sinh viên đã phải miệt mài chạy đua với các bài thực hành.

Đặc biệt, khi học ở trường, mình có thể hỏi ý kiến giáo viên bất cứ lúc nào và các thầy cô giáo đều nhiệt tình trả lời mọi thắc mắc của mình. Hơn nữa những bài học về kinh doanh trong môn học Marketing thời trang cũng được mình áp dụng cho cửa hàng từ việc sắp xếp trưng bày sản phẩm cho tới chiến lược bán hàng. Vừa học vừa thực hành nên cảm giác của mình rất hứng thú với công việc và khi đến trường vì môi trường học tập ở đây rất thoải mái và cởi mở.

- Bạn có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm mà bạn rút ra được trong quá trình kinh doanh thời trang với các bạn trẻ?

- Kinh doanh thời trang là phải xác định được đối tượng mình phục vụ là ai. Họ không cần thiết phải là một nhóm khách hàng lớn. Chỉ cần là nhóm khách hàng nhỏ nhưng bạn hiểu rõ khách của mình muốn gì thì sẽ tốt hơn là bạn nhắm đến mục tiêu to lớn mà không hiểu rõ cái mà mình đang đuổi theo. Đặc biệt, thầy cô giáo sẽ cung cấp lý thuyết và những câu chuyện để làm nền tảng cho bạn; nhưng bạn cũng cần "bắt sóng" thật nhanh qua báo chí và các chương trình thời trang quốc tế bắt kịp xu hướng. Bên cạnh việc giỏi thiết kế, bạn cũng cần có kỹ năng làm về marketing, quảng cáo cho thương hiệu của mình một cách hiệu quả nhất.

Trong tương lai mình muốn chuyển cửa hàng đến một địa điểm to hơn và đẹp hơn, tập trung sản xuất được nhiều mẫu thiết kế đẹp hơn nữa và làm hài lòng tất cả khách hàng.

Cùng ngắm những mẫu thiết kế mới nhất của Xì Trum (62B Thợ Nhuộm Hà Nội) để Jagi Design mang đến cho bạn phong cách mới, bổ sung vào tủ đồ của mình.


Tư liệu: Học viện Thời trang London

Theo Tri Thức

Kiếm Hàng Trăm Triệu Mỗi Năm Nhờ Nuôi Êch Thái

Nhờ nuôi ếch Thái Lan, ông Phan Văn Có ở thành phố Mỹ Tho- Tiền Giang thu được lợi nhuận mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Về ấp 2, xã Đạo Thạnh thuộc ngoại thành TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), hỏi "Trại ếch giống Bảy Có" của ông Phan Văn Có, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh thì ai cũng biết. Ông là người tiên phong và thành công trong mô hình nuôi ếch ở địa phương này.

Ông Có cho biết, bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi ếch Thái Lan trong ao đất vào năm 2008 chỉ với 20 cặp ếch bố mẹ và 2.000 con ếch giống. Lúc này, ếch bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến hao hụt khá nhiều. Sau đó, nhờ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh nên đàn ếch dần phát triển ổn định và cho lợi nhuận trong năm đầu khoảng 30 triệu đồng.

Ông Phan Văn Có giới thiệu mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm.

Mỗi năm, ông Có cho ếch sinh sản 3 lần (mỗi cá thể ếch cái đẻ khoảng 2.000 trứng), tỷ lệ nở đạt 25%, giá ếch giống dao động 1.000 - 1.500 đồng/con. Ếch giống nuôi khoảng 3 tháng (trọng lượng 0,2 - 0,25 kg/con) là có thể xuất bán. Tùy thời điểm, giá thu mua ếch thịt dao động 35.000 - 70.000 đồng/kg. Vụ ếch năm 2012, ông Có cho 300 cặp ếch bố mẹ đẻ được hơn 10 vạn ếch giống, giá bán tại trại 1.000 - 1.200 đồng/con, tính ra lợi nhuận thu được từ ếch trên 100 triệu đồng. Thời điểm này, trại ếch của ông có 16 bể, diện tích gần 200m2 với tổng cộng 150 cặp ếch bố mẹ và 5.000 ếch thịt.

Theo kinh nghiệm của ông Có, để hạn chế dịch bệnh trong nuôi ếch thương phẩm, cần phải phơi khô đáy ao, bón vôi sát trùng sau mỗi đợt nuôi. Nơi trú ngụ cho ếch có thể làm bằng lá dừa thay cho việc dùng vạt tre như trước đây, vừa tiện dụng vừa phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho ếch rất hiệu quả.

Từ thành công trong mô hình nuôi ếch của ông Có, nhiều hộ nông dân ở Mỹ Tho đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu nuôi ếch từ việc cải tạo ao nuôi các loài thủy sản khác kém hiệu quả, hay lót bạt nuôi quanh sân vườn. Năm 2009, phong trào nuôi ếch ở các xã ngoại thành TP.Mỹ Tho đã phát triển lên đến gần 40 hộ, riêng xã Đạo Thạnh có 20 hộ nuôi ếch. Và từ đây, Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh với 20 tổ viên đã ra đời để làm đầu mối chuyển giao kỹ thuật, góp vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các tổ viên.

Theo Thủy sản Việt Nam

Đi Lên Từ 2 Bàn Tay Trắng

Sinh ra trong một gia đình truyền thống Nho học ở Hà Nội lại ảnh hưởng lớn từ tính cách của người bố, nhưng đường đời của Vũ Thái Sơn lại rẽ sang hướng kinh doanh.

 Vượt bao thác ghềnh, giờ anh đã là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn (TP Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất hạt điều và được bình chọn trong top 500 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2012.

Với Vũ Thái Sơn, đạo đức kinh doanh luôn đặt lên hàng đầu.

Vũ Thái Sơn sinh năm 1962 tại quận Ba Đình (Hà Nội), làm việc tại một cơ quan quản lý nhà nước ở Thủ đô từ năm 1984. 4 năm sau, như là duyên phận, anh được cơ quan điều vào TP Hồ Chí Minh công tác. "Chặng đường đầu vào mảnh đất phương Nam này khó khăn lắm, lương vợ chồng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Đến khi đứa con đầu lòng ra đời thì khó khăn gấp bội" - Nhâm nhi từng ngụm trà xanh, anh kể lại những ngày tháng cơ cực. Năm 1991, Vũ Thái Sơn quyết định chuyển sang làm phiên dịch viên cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hạt điều và hàng nông sản thực phẩm TP Hồ Chí Minh (Vinalimex).

Chính trong thời gian này, anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về mối quan hệ với các bạn hàng nước ngoài cũng như kiến thức về hạt điều. Đến năm 1994, Sơn có quyết định rất táo bạo khi mở Công ty TNHH Thạnh Sơn chuyên tư vấn môi giới hạt điều. "Thời điểm đó, ở nước ta hầu như chỉ có khái niệm công ty nhà nước với mọi ưu đãi còn công ty tư nhân thì chịu nhiều thiệt thòi lắm..." - Anh chia sẻ. Nhưng chính sự thiệt thòi lại "kích" sự vươn lên của người trai Hà Nội ấy. Bằng mọi cách, mọi nỗ lực, Vũ Thái Sơn đã đưa công ty tư nhân của mình vươn xa hơn nhiều công ty chỉ trông chờ "bầu sữa" Nhà nước lúc bấy giờ. Năm 2000, thay vì chỉ làm môi giới, anh lập Công ty cổ phần Long Sơn, chuyên sản xuất và xuất khẩu hạt điều (KCN Tân Bình, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Đến nay, công ty trở thành doanh nghiệp sản xuất hạt điều lớn, mỗi năm bán trong nước và xuất khẩu trên 20.000 tấn hạt điều. Năm 2012, Công ty cổ phần Long Sơn trở thành 1 trong 500 doanh nghiệp tiêu biểu của cả nước.

Để có được thành công như ngày hôm nay mấy ai biết được Vũ Thái Sơn đã có nhiều đêm mất ngủ, phải xa vợ, con. Đặc biệt năm 1998, công ty đã đứng bên bờ vực phá sản khi giá cả hàng hóa rớt thê thảm, không bán được... nợ lương công nhân hàng tháng trời. Nhưng chính những lúc nguy ngập đó, trong người con trai Hà Nội ấy lại bùng lên sức sống mãnh liệt, tìm đủ mọi phương cách, huy động mọi nguồn lực, trắng ngày trắng đêm tìm cách lèo lái "con thuyền Long Sơn" vượt qua bao thác ghềnh. Bây giờ, Công ty CP Long Sơn đã có trên 5.000 công nhân đang làm việc với 10 nhà máy và chi nhánh từ Hà Nội đến Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... doanh thu năm 2011 và 2012 đạt 1.500 tỷ đồng. Không chỉ chú trọng kinh doanh, hàng năm công ty của anh luôn dành một khoản kinh phí tới 500 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi các cựu chiến binh, tài trợ các chương trình học bổng…

"Để có được thành công hôm nay, người mình luôn chịu ơn tận sâu đáy lòng là bố và vợ. Bố dạy cho mình cách sống tự lập, cách tạo mối quan hệ, cách thuyết phục nhân viên, khách hàng, tính biện chứng, lô gíc và phân tích vấn đề, tính gương mẫu của người đứng đầu... Còn vợ là cánh tay phải và là hậu phương vững chắc, hiện đang cùng mình quản lý công ty. Bên cạnh đó, ngoài kinh nghiệm thương trường, yếu tố quan trọng là phải biết vận dụng các kiến thức văn học, lịch sử, kiến trúc, âm nhạc khi trò chuyện bên lề với khách hàng. Điều này sẽ chinh phục khách hàng, khiến họ trở nên rất thân thiết, gần gũi với mình. Mặt khác phải luôn giữ cái chất của "sĩ phu Bắc Hà", tiền bạc không quan trọng bằng chữ tín, bằng danh dự, phải luôn giữ đúng cam kết với khách hàng dù hoàn cảnh nào" - Vũ Thái Sơn chia sẻ bí quyết thành công.

Bây giờ, dù công việc bận rộn, sống trong vòng xoáy của thành phố sôi động nhất cả nước, nhưng hằng năm vợ chồng Vũ Thái Sơn vẫn tranh thủ về thăm Thủ đô. "Mỗi lần về thăm quê, ký ức Hà Nội những năm tháng tuổi thơ lại dội về. Mình còn nhớ, khi mẹ dẫn mình qua đường thì chú xe tải dừng lại và nhẹ nhàng bảo chị và cháu đi đâu đấy, lên xe tôi chở đi luôn. Hà Nội hồi đó đẹp lắm, yên tĩnh lắm, cuộc sống trôi chậm lắm" - Giọng Vũ Thái Sơn nghe thật bồi hồi!

Hà Tuấn

Mở Quán Cà Phê Giờ Dây Thun

Chủ quán là những người rất trẻ mà đa số là sinh viên, có người trong số họ còn đang trên ghế nhà trường. Họ chọn mô hình kinh doanh quán cà phê làm nơi khởi nghiệp, bằng những cái nhìn mới năng động, trẻ trung, sáng tạo.

Chơi nhạc tại Giờ Dây Thun.

Ưu thế về thiết kế đã giúp cho các sinh viên kiến trúc có lợi thế hơn khi kinh doanh mô hình này.

Sáng tạo

Bạn Hoàng – chủ quán cà phê Giờ Dây Thun, cựu sinh viên kiến trúc nhẩm tính “cà phê Hoang, càphê Maliken, Cây Dầu, Xưởng, The Journey, Bệt, Ngôi nhà số 7… theo tôi biết ít nhất có tới chục quán do sinh viên kiến trúc làm chủ…” Họ có thể dùng những vật liệu rẻ tiền, thậm chí bỏ đi để tạo nên những không gian quán đầy cá tính với chi phí thấp.

Ở những quán càphê do sinh viên làm chủ này, cái tôi được thể hiện rất rõ. Hồn quán được thể hiện theo sự chắt lọc, chọn lựa của từng chủ quán. “Những người đi uống càphê bây giờ đa số muốn thưởng thức, thích nghệ thuật, thích cái mới lạ. Bohemien, là phong cách mà tôi muốn thể hiện, phong cách đại diện cho những “típ” người có quan điểm sống tự do, phóng khoáng”, Hoàng tâm sự. Ấn tượng nhất tại đây có lẽ là sự tìm kiếm, sưu tầm các vật dụng trang trí, decor nội thất, hoạ tiết. Từ các loại “rác” được chắt lọc lại như thùng phuy, két nước, vỏ chai, yên xe, lõi giấy, xơ mướp... đến những đồ vật đời thường nhất, vật tái chế, đã qua sử dụng, bỏ đi... Thậm chí những nhánh cây khô được lượm ven đường rồi “phù phép”, sáng tạo, sắp xếp lại thành những góc, mảng, biến rác thành bàn, thành ghế, thành đèn, vật trang trí xinh xắn, đắt giá. Nghệ thuật cộng thêm chút nổi loạn đã tái hiện Giờ Dây Thun thành “túp lều” tạm bợ của dân du mục, đúng chất Bohemian.

Trương Đức Luy – chủ quán Hoang chia sẻ: “Với tôi Hoang như một ngôi nhà đồng quê châu Âu bị bỏ hoang. Để làm đậm chất “hoang” cho quán, tôi đã cất công tìm kiếm những vật dụng thô sơ, cũ kỹ như gỗ ốp tường, vải, đá, những chiếc ghế gỗ, những khung cửa sổ…”. Những mảng dây thừng, bao bố, những khung ảnh đen trắng... tưởng như rối rắm, nhếch nhác nhưng được bố trí khéo léo làm nên một không gian rất riêng.

Luy cho biết về cách làm quán Hoang của mình: “Do quán tự thiết kế và nhờ một số bạn bè hỗ trợ thi công nên vốn đầu tư chỉ trên 100 triệu nhưng ai nhìn vào cũng tưởng từ 500 triệu trở lên. Có thể do quán có phong cách lạ nên khách đông, một phần khách biết đến quán qua những trang mạng xã hội, bạn bè truyền miệng...”

Tạo những nét riêng

Nhiều sinh viên không phải là dân kiến trúc cũng đã thể hiện được cái “tôi” của mình bằng cách tự thiết kế quán. “Móm và Bắp là tất cả tâm huyết của tôi. Tất cả những gì có thể làm là để đem đến cái riêng, hoàn toàn mới, cái mà những quán khác không có thì ở đây có”, Linh – chủ quán chia sẻ. Có thể thấy trang trí ở đây hoàn toàn từ hạt bắp. “Hơn nữa, thực đơn ở quán có nhiều món ăn vặt từ bắp như bánh plan bắp, bánh bắp chiên tôm, ram bắp, bắp xào, chè bắp, sữa bắp…”, Linh cho biết thêm.

Từ một nhóm bạn tham gia những khoá học Business Club, Duy Anh, cùng với nhóm bạn đã khai sinh càphê Cashflow. “Lúc đó tôi vẫn đang là sinh viên năm cuối nên ra mở quán run tay lắm”, Duy Anh cười bảo vậy. Khác biệt của quán là có những loại game phù hợp cho nhóm bạn giải trí. Trong đó, có một loại game Cashflow – game giáo dục về tài chính và đầu tư nổi tiếng trên thế giới, thông qua cách chơi game, người chơi biết cách dùng đồng tiền có được, tìm kiếm các cơ hội đầu tư cũng như kinh doanh để mang lại nhiều lợi ích nhất. Đây cũng là game chính của quán. “Chọn mô hình này vì chúng tôi nghĩ sẽ mang đến một phong cách lạ, thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ”, một thành viên khác của nhóm góp chuyện. Có 60 – 70% khách đến đây vì hoạt động của quán.

Và dù thành công hay thất bại, việc kinh doanh cũng đã giúp cho các bạn sinh viên có được một hành trang kinh nghiệm vững vàng khi bước vào đời.

Ngọc Hoài

Ông Chủ Trẻ Kinh Doanh Trứng Omega-3, Thu Hàng Chục Triệu Mỗi Tháng

Từ số vốn ban đầu chỉ 50 triệu đồng, ông chủ trẻ Nguyễn Duy Thiên Ân hiện xuất ra thị trường khoảng 135.000 quả trứng gà mỗi tháng, thu lãi hàng chục triệu đồng.


Chưa hề có chút kinh nghiệm trong kinh doanh, Nguyễn Duy Thiên Ân, 23 tuổi, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, vẫn kiên quyết biến đề án nghiên cứu Omega-3 trong trứng gà của mình thành hiện thực. Đề tài này Viện Sinh học nhiệt đới nghiên cứu bước đầu và sau khi tìm hiểu, thử nghiệm thành công quy trình, Ân mạnh dạn bỏ tiền mua bản quyền và cho ra đời doanh nghiệp của riêng mình từ giữa năm 2012.

Theo Ân, Omega-3 là một loại axít béo mà cơ thể không thể tự sản xuất, phải nhờ nguồn thực phẩm bên ngoài cung cấp, phù hợp với trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Loại vi chất này cũng chứa DHA giúp cho trẻ có sức khỏe tốt, mắt sáng và đối với người cao tuổi phòng ngừa bệnh tim mạch.

Lúc thành lập công ty, ông chủ trẻ gặp nhiều trở ngại. Tiền vốn ban đầu chỉ có 50 triệu đồng, nhưng để vận hành trại gà 5.000 con, Ân phải chạy vạy nhiều nơi để thuyết phục các nhà đầu tư rót thêm vốn và đến thời điểm này có được 2 tỷ đồng. Chi phí cho chuồng trại, trang thiết bị, kể cả gà và nguyên liệu ước khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Khoảng thời gian xây dựng chuồng trại mất 3 tháng. Hiện tại, công ty có 4 công nhân làm việc với trang thiết bị phần lớn là tự động hóa.

Vốn là người "tay ngang” về nông nghiệp, nên trong quá trình nuôi gà, chàng trai này phải đến học hỏi cách chăm sóc đàn gà từ các hộ chăn nuôi, rồi đọc thêm tài liệu, tổng hợp thông tin để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn vệ sinh theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP (Good Agriculture Production).

Ân chia sẻ việc nuôi đàn gà ở giai đoạn đầu tiên rất vất vả, tốn khoảng 4-5 tháng mọi thứ mới dần ổn định. Ân nói: “Lúc còn ở Viện Sinh học nhiệt đới tôi chỉ nuôi gà thí nghiệm khoảng 40 con, nhưng bây giờ thực tế ở trại gà có đến 5.000 con. Vì vậy, tôi tưởng chừng không thể kiểm soát nổi, nhưng mỗi ngày cứ tích lũy dần kinh nghiệm từ công việc và giờ tôi có thể quản lý mọi thứ tốt hơn”.

Khâu đóng vỉ trứng gà Omega-3.

Theo Ân, nguồn nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng để trứng gà có Omega-3. Khẩu phần thức ăn của gà chứa loại axít béo này gồm những nguyên liệu cơ bản được phối trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp, có thêm thảo dược, vi tảo biển, dầu cá, nhiệt độ chuồng luôn phải ổn định tầm 25-26 độ. Ân cho biết không sử dụng chất kháng sinh, thay vào đó là cho gà uống vitamin C để tăng sức đề kháng, ngoài ra còn bổ sung thêm thành phần thảo dược, cây cỏ. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho đàn gà khỏe mạnh, chuồng gà được thiết kế hệ thống cuốn bạt hai bên để tưới vi sinh phân hủy phân gà. Mỗi tuần phân gà được dọn một lần nên không có mùi hôi thối như chuồng gà thông thường.

Ông chủ trẻ khoe rằng cứ mỗi ngày 12 tiếng, từ 5h sáng đến 5h chiều, đàn gà sẽ được nghe nhạc cổ điển. Nếu là nhạc sôi động thì gà nhảy lung tung, bay loạn xạ. Việc thử nghiệm chọn một số bài hát cho gà kéo dài một tuần. Sau khi nuôi gà ổn định từ 4 đến 5 tháng thì Ân mới quyết định cho gà nghe nhạc và nhận thấy năng suất đẻ trứng tốt hơn và các cô gà cũng “khoái” nhạc êm dịu hơn.

Một tháng trung bình mỗi con gà đẻ khoảng 20-24 trứng gà Omega-3. Thông thường, gà đẻ suốt một năm khoảng hơn 300 trứng gà, có sổ ghi chép theo dõi vì nếu con nào một tuần đẻ từ 5- 6 trứng nhưng giảm còn khoảng 3-4 trứng thì gà sẽ bị loại.

Do quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào cao nên giá trứng gà Omega-3 bán đắt hơn so với trứng thường, giá bán lẻ khoảng 5.000 đồng một trứng. Tuy nhiên, Ân lý giải rằng nếu so về giá trị dinh dưỡng thì trứng gà Omega-3 không quá đắt vì hàm lượng của nó mang lại gấp 6 lần so với trứng thường và gấp 2-3 lần so với trứng gà ta. Ân cho biết chỉ có thể đem xét nghiệm mới phân biệt được trứng gà Omega-3 và trứng thường cũng như để biết hàm lượng chất dinh dưỡng trong quả trứng. Nhưng theo cảm quan, người mua có thể cảm nhận trứng gà này qua mùi vị, ăn thơm, ngon và béo hơn trứng thường, đặc biệt là khi bể trứng cũng không tanh.

Mỗi ngày, trang trại gà của Ân xuất ra thị trường khoảng 4.500 quả, ứng với mỗi tháng 135.000 quả, lãi khoảng 300 đồng trên một quả trứng, tương đương 40 triệu đồng một tháng. Ông chủ trẻ Thiên Ân nói: “Một điểm thuận lợi trong việc sản xuất trứng Omega-3 là không bị phụ thuộc bởi giá bán hay thức ăn do công ty cung ứng trứng gà ấn định”.

Những quả trứng công ty của Thiên Ân sản xuất hiện phân phối chủ yếu ở các nhà trẻ và trường mầm non ở Biên Hòa, Đồng Nai, sắp tới mở rộng cung ứng mạnh vào TP HCM. Dự kiến, khoảng 2 năm sẽ hòa vốn và Ân cho biết hiện đầu ra không đủ cung cấp do trang trại quá nhỏ, vì vậy, công ty của Ân định sẽ mở tiếp một trại nuôi gà nữa.

Thanh Thanh

Làm Giàu Nhờ Trồng Táo Và Nuôi Dê

Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.

Vườn táo nhà anh Bùi Quân (thôn Trường Thọ).

Tháng tám về Phước Hậu, giữa cái nắng nóng mùa hè, chúng tôi vẫn thấy những dòng nước mát và màu xanh tươi tốt của lúa, nho, táo. Trên đường vào xã, chúng tôi gặp nhiều chuyến xe chở táo đưa đi các nơi. Đến thôn Trường Thọ, nhà đầu tiên ghé vào cũng gặp gia chủ đang thu hái táo. Chúng tôi được mời ăn ngay tại vườn. Những trái táo da bóng, ngọt ngon, thơm mát. Chủ vườn Nguyễn Văn Thuận cho biết, nhà có 2 sào táo, mỗi vụ được 6 tấn, bán 5.000 - 6.000 đồng/kg; trái nứt, trái rụng thì để dê ăn. Tính ra 1 sào táo bằng 5 sào lúa. Nhà anh Trần Đình Rin cũng mô hình táo - dê như vậy, 1 sào táo, 1 sào nho, 5 sào lúa và một chuồng dê, mỗi năm đem lại cho anh vài trăm triệu đồng. Chúng tôi vui với cơ ngơi nhà vườn của anh Bùi Quân. Mới ngoài 30 tuổi nhưng cung cách làm ăn của anh khá bài bản, anh cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi, làm giàu từ táo. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà 3 sào táo nhà anh luôn đạt năng suất cao và chất lượng, trái táo to, đẹp, thu hái quanh năm.

Anh Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, giới thiệu: Hiện toàn xã có 950ha lúa, 35ha nho, 115ha táo; đàn dê trên 4.000 con, ngoài ra còn trâu bò, cừu, heo, gà, vịt. Mấy năm nay, cây táo, đàn dê phát triển mạnh. Mô hình gia trại trồng táo - nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo, đây là cách làm mới, sáng tạo của nông dân Phước Hậu và huyện Ninh Phước. Mới đầu, bà con tận dụng lá nho cắt bỏ cho dê, cừu ăn, thấy chúng lớn nhanh hơn so với ăn các loại cỏ lá khác; khi cây táo xuất hiện, bà con lại dùng lá táo, thấy cũng hiệu quả như lá nho; trái táo xấu, rụng, cũng được tận dụng làm thức ăn cho dê, cừu; phân dê cừu quay lại bón thúc cho cây táo, cây nho. Một mô hình trồng trọt - chăn nuôi khép kín rất hiệu quả.

Ninh Thuận có vùng đất pha cát, phù sa ven sông, nên rất phù hợp với cây táo. Trái táo ở vùng đất nắng gió này có vị ngọt thanh, giòn ngon hơn hẳn vùng khác. Táo Ninh Thuận được cho leo giàn, có thể bắt đầu từ việc chuyển cây nho sang cây táo, bà con tận dụng giàn cây. Thông thường khoảng 8 tháng táo cho trái. Cây táo dễ trồng, đầu tư ít, vừa với khả năng của bà con nông dân. Táo không những là cây thoát nghèo mà hiện đang là cây làm giàu ở Ninh Thuận. Cả tỉnh có khoảng 1.000ha táo, nhiều nhất ở huyện Ninh Phước, có trên 500ha. Ngoài ra, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm đều có táo. Với năng suất 35 - 40 tấn/ha, mỗi năm Ninh Thuận đưa ra thị trường 40.000 - 50.000 tấn táo; dưới giàn táo là đàn dê. Từ dê con mới sinh, sau 3 tháng có thể xuất chuồng khoảng 20 - 25kg/con, bán với giá 130.000 đồng/kg. Hiện dê, táo bán khá chạy nên nhiều nhà nông rất hào hứng đi theo hướng này.

Táo được đưa đi các tỉnh lân cận, Hà Nội, TPHCM, vào siêu thị và sang cả Trung Quốc. Đó là điều rất mừng, mừng hơn nữa là dự báo nhu cầu táo vẫn còn có thể tăng hơn, do ngày càng nhiều người biết đến táo tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với xu hướng “phát triển không ngừng”, đã đến lúc địa phương phải tính đến việc xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra nhiều loại sản phẩm từ trái táo, như táo ép, táo sấy, mứt táo, (cũng như đối với trái nho) để chủ động khâu tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Bình Nguyên

Làm Giàu Nhờ Làm Đồ Chơi Truyền Thống

Trong khi rất nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến mất thì tại làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên, sự gắn bó với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống từ hơn một thế kỷ qua đang giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.

Những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống của làng Hảo.

“Cái khó ló cái khôn”

Tìm về làng Hảo những ngày này mới thấy hết cái nhộn nhịp, hối hả của một vụ mùa đồ chơi trung thu bội thu. Ngày ngày xe cộ ra vào làng tấp nập, đưa hàng vạn chiếc trống quả, đầu sư tử và mặt nạ đến khắp các miền quê cho trung thu sắp tới.

Chị Vũ Thị Thoàn là chủ một trong những cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu lớn nhất làng Hảo, đã hơn 40 năm gắn bó với nghề. Chị kể, bố mẹ chị cũng bươn trải với nghề này đến khi nhắm mắt xuôi tay. Từ nhỏ chị đã được học cách làm trống, bưng da rồi khi gây dựng gia đình, hai vợ chồng chị lại tiếp nối cái nghề mà tổ tiên và cha mẹ để lại.

Gần nửa đời người sống với nghề truyền thống, cũng có lúc khó khăn chồng chất khi công việc luôn đòi hỏi sự tâm huyết và kiên trì, nhưng lợi nhuận kiếm được chẳng là bao. Mặc dù vậy, chị Thoàn chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ.

Từ trong gian khó, chị Thoàn cũng những gia đình còn làm nghề trong làng Hảo đã tìm ra hướng đi mới cho nghề truyền thống. Họ học thêm cách làm đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi để bán cùng với trống quả và được thị trường đón nhận một cách tích cực.

Đến nay, riêng cơ sở sản xuất của gia đình chị Thoàn đã có tới 20 mẫu mặt nạ các loại. Lấy mẫu từ các nhân vật trong bộ phim “Tây du ký” như Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đến các nhân vật trong tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam là Chí Phèo, Thị Nở, ngoài ra còn rất nhiều mẫu mặt nạ mang hình các con vật ngộ nghĩnh được công chúng- nhất là các thượng đế “nhí”- rất yêu thích.

Mùa trung thu năm nay, cơ sở sản xuất của chị Thoàn nói riêng và các cơ sở sản xuất trong làng Hảo nói chung đều có những tín hiệu đáng mừng. Tính đến thời điểm này, cơ sở của chị đã xuất đi hơn 20.000 chiếc trống, hơn 10.000 đầu sư tử và khoảng 10.000 chiếc mặt nạ các loại. Từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế đến Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và một số tỉnh lẻ, gần như ở đâu cũng có sự hiện hữu các sản phẩm đồ chơi trung thu từ làng Hảo.

Những người thợ hối hả hoàn tất những công đoạn cuối cùng để hàng được xuất bán vào sáng sớm hôm sau.

Làm giàu từ nghề truyền thống

Khi được hỏi về thực trạng nghề truyền thống ở làng Hảo- trong khi hiện nay rất nhiều làng nghề đã mất đi hoặc đang đứng trước nguy cơ “thất truyền”- có một điều thú vị là những người tâm huyết gắn bó với nghề như chị Thoàn đều trả lời đầy lạc quan rằng: “Mọi người nói làng nghề dần mất đi nhưng tôi lại thấy mỗi ngày đang dần khá lên, đến nỗi cứ mỗi vụ trung thu sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng thị trường”.

Chị bảo: “Hai năm trở lại đây, đồ chơi Trung Quốc bị cấm và không còn được ưa chuộng như trước nữa. Các mặt hàng thủ công của Việt Nam- đặc biệt là đầu sư tử và mặt nạ bồi- lại bán rất chạy”.

Theo lời chị Thoàn, từ đầu tháng 6 âm lịch cơ sở của chị đã bắt đầu xuất hàng đi các địa phương. Vào thời điểm giáp trung thu, ngày nào công việc của chị cũng kéo dài tới 1 giờ sáng, rồi khoảng 3-4 giờ lại bắt đầu xuất hàng. Cả ngày chỉ được ngủ 1-2 tiếng, nhưng chị vẫn thấy phấn khởi vì hàng bán được nhiều.

Tiếng lành đồn xa, có những tiểu thương đến giờ chị vẫn chưa hề gặp mặt dù đã giao hàng lâu năm. Phương tiện quen thuộc để chị giao dịch với khách hằng ngày là chiếc điện thoại di động và ba chiếc máy fax luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.

Sự tận tụy, quyết tâm giữ nghề của chị và những người dân nơi đây đã được đền đáp xứng đáng. Trung bình mỗi vụ sản xuất, cơ sở của chị Thoàn thu được gần 200 triệu đồng. Đó là con số không hề nhỏ so với cuộc sống của những người nông dân ở miền quê này.

Không chỉ cơ sở của chị Thoàn, mà mô hình sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống đang được nhân rộng trong làng Hảo. Hiện nay, có khoảng 20 trên tổng số 350 hộ trong làng còn gắn bó với nghề của tổ tiên; trong đó, có những cơ sở của các gia đình trẻ đang phát triển rất thuận lợi.

Cơ sở sản xuất khang trang của gia đình anh Vũ Tiến Thắng và chị Chu Thị Dung nằm ở đầu làng Hảo. Khởi nghiệp được 5 năm nay, nhưng cơ sở của anh chị đang tiến triển nhanh chóng. Từ ngày đầu chỉ xuất vài trăm sản phẩm, đến nay mỗi vụ cơ sở của anh Thắng đã xuất đi khoảng hơn một vạn chiếc trống, đầu sư tử và mặt nạ các loại. Mỗi năm, số lượng đơn đặt hàng càng tăng lên, năm nay còn tăng gấp rưỡi năm ngoái.

Khác với các gia đình khác, gia đình anh có đơn đặt hàng quanh năm, nhưng cao điểm vẫn vào dịp trung thu. Anh bảo: “Làm hàng này không bao giờ lo tồn đọng, bởi sức mình làm còn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Cơ sở của gia đình anh Thắng cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng. Trung bình mỗi ngày công làm việc được trả 120-150 ngàn đồng, những người làm việc đều đặn có khi được mức lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng mà không vất vả như làm nông nghiệp.

Khi nói đến mức thu nhập trung bình mỗi năm lên tới hơn 200 triệu đồng của gia đình anh Thắng, ai cũng phải ngỡ ngàng và ngưỡng mộ về sự tâm huyết, tận tụy với nghề của đôi vợ chồng trẻ.

Với niềm tin tưởng lạc quan của những người dân làng Hảo và sự giúp đỡ cho vay vốn của chính quyền địa phương, chắc chắn trong tương lai không xa làng nghề đồ chơi trung thu truyền thống sẽ còn phát triển hơn nữa và cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no, thịnh vượng.

Theo Afamily

Thu Nhập Trăm Triệu Mỗi Năm Nhờ Nuôi Bò Sữa

Riêng việc bán sữa mang lại cho ông Lê Hồng Duyên khoản lợi nhuận gần 130 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể nguồn thu từ kinh doanh máy vắt sữa và cám cho bò.

Ông Lê Hồng Duyên ở thôn Bồng Lai nằm dưới chân đèo Prenn thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được mệnh danh là "trùm bò sữa", bởi sở hữu tới 50 con, dù 8 năm trước chỉ có trong tay 2 con giống.

Từng học tập kinh nghiệm ở TP HCM, Ba Vì, Mộc Châu, thậm chí sang Thái Lan tham quan mô hình chăn nuôi, ông Duyên nhận thấy Lâm Đồng mới là nơi tốt nhất để gầy dựng đàn bò sữa. Nơi đây có nguồn thức ăn dồi dào, nhiệt độ thích hợp cho bò sinh sống phát triển nên sản lượng cũng như chất lượng sữa tốt hơn hẳn các địa phương khác. Hiện nay, mỗi con bò sữa ở TP HCM cho ra trung bình 13-15 kg, còn ở Lâm Đồng tới 20 kg sữa.

50 con bò sữa, trong đó có 23 con đang cho sữa mang lại thu nhập trên
trăm triệu đồng mỗi tháng cho anh Duyên.

Thuận lợi lớn nhất ở Lâm Đồng theo ông Duyên là đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn phong phú. Để có đủ thức ăn cho 50 bò sữa, ông Duyên trồng 2 ha cỏ voi và 2 ha bắp. Bắp sau khi trồng khoảng 3 tháng được thu hoạch cả cây lẫn trái đem về cho máy chặt thành từng khúc. Toàn bộ nguyên liệu này mang ủ chua với mật đường và muối cho bò ăn dần. Loại thức ăn này làm tăng chất lượng sữa cũng như khả năng cho sữa của bò.

Vùng Đức Trọng, Đơn Dương dưới chân đèo Prenn Đà Lạt là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất Lâm Đồng nên phế phẩm nông sản rất dồi dào. Ở những trang trại trồng khoai lang Nhật xuất khẩu thì dây khoai lang là nguồn thức ăn đáng kể cho đàn bò. Những củ không đủ kích cỡ xuất khẩu hay tiêu thụ trên thị trường được các trang trại và công ty bán cho người nuôi bò với giá khá mềm.

Đức Trọng cũng là nơi canh tác cây chanh dây với diện tích rất lớn. Trái chanh dây sau khi các cơ sở, nhà máy nạo lấy cơm ruột thì vỏ của nó dùng làm thức ăn cho bò sữa. Phần lá bên trên của củ cà rốt bị cắt bỏ sau khi thu hoạch hay những chiếc lá bắp cải già cũng trở thành nguồn dinh dưỡng hữu ích cho loại động vật này.

Các phế phẩm như dây khoai lang, những lá bắp cải già... có thể tận dụng làm thức ăn cho bò sữa.

Nghề chăn nuôi bò sữa phát triển còn kéo theo những hộ gia đình khác khá lên, ví dụ như canh tác bắp. Cứ 1.000 m2 bắp có thể bán cho người nuôi bò 3,5-6 triệu đồng (cả cây lẫn trái), tức trung bình khoảng 50 triệu đồng trên mỗi ha mà người trồng không tốn công dọn cây.

Ông Duyên có 50 bò, trong đó 23 con đang khai thác sữa với sản lượng trung bình 450 kg mỗi ngày. Với giá sữa hiện nay 14.500-15.000 đồng một kg, trừ chi phí cám, thức ăn tươi và nhân công, mỗi tháng, một con bò sữa cho lãi trên 6 triệu đồng. Như vậy thu nhập từ 23 con bò sữa của ông Duyên mang lại mỗi tháng không dưới 150 triệu đồng. Nghề này cho thu nhập cao nhưng đòi hỏi người nuôi phải có vốn, bởi chỉ một con giống đã 70-80 triệu đồng, chưa kể chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng 2-3 năm mới có thể cho sữa. Mỗi con bò có thể cho sữa xuyên suốt trong 10 năm.

Theo ông Duyên, người nuôi bò sữa hai năm nay thuận lợi nhờ giá sữa tăng khá trong khi giá bột cám cho bò ăn biến động không đáng kể. Không chỉ sữa bán được giá mà con giống cũng được thu mua với giá rất cao. "Nếu mua con giống từ nơi khác về thì giá rẻ hơn nhưng chúng lại cho sản lượng sữa thấp hơn những con sinh trưởng tại chỗ", ông chia sẻ.

Tại trang trại có 3 nhân công thường trực lo các khâu như lấy sữa, cho bò ăn và tắm rửa cho bò, vệ sinh chuồng trại. Nguồn thức ăn được chở về chuồng từ 2 chiếc xe tải và 3 chiếc máy cày. Đây cũng là phương tiện mà ông giao bột cám cho các hộ chăn nuôi khác. Hiện ông Duyên mở 2 điểm chuyên thu mua sữa tươi cho một doanh nghiệp kinh doanh sữa có tiếng tăm, mỗi ngày thu mua của trên 40 hộ với số lượng trên 7 tấn.

Ông Duyên cho biết, thu nhập từ công việc này rất ổn định vì trên nguyên tắc công ty mua trực tiếp sữa với nông dân, điểm thu mua được công ty trích phần trăm trên số lượng sữa mua được mỗi tháng. Ngoài ra, đại lý cung cấp cám cho bò của gia đình ông Duyên hàng tháng cũng bán ra thị trường vài trăm tấn. Ông còn cung cấp máy vắt sữa và các thiết bị đi kèm cho bà con chăn nuôi trong vùng.

Quốc Dũng

Chàng Trai 9x Gốc Việt Thành Công Nhờ Cung Cấp Bảng Thuyết Trình

Kenny Nguyen cùng Murillo lập hẳn công ty chuyên cung cấp các bản thuyết trình, và đạt doanh thu 225.000 USD trong năm thứ hai hoạt động.

Kenny Nguyen và Gus Murillo từng học tại Đại học Louisiana State. Nghe tin có một nhà quản lý cấp cao của một công ty nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500) đang diễn thuyết tại trường, cả hai chàng trai vội vã đến tham dự. Nhưng thay vì tỏ ra háo hức, họ lại vô cùng thất vọng.

Kenny Nguyen, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên của công ty Big Fish Presentations.
Nguyen nhớ lại: “Đó là 200 trang trình bày chỉ toàn chữ, ông ấy đọc không sót trang nào. Tôi không thể tin rằng chủ tịch một trong những công ty lớn nhất thế giới lại trình bày như thế. Từ câu chuyện này, chúng tôi nghĩ rằng có thể tạo ra những bài thuyết trình còn tốt hơn thế”.

Thế rồi Nguyen và Murillo quyết định thành lập Công ty Big Fish Presentations, trụ sở Baton Rouge, Louisiana vào năm 2011, chuyên cung cấp những bài thuyết trình. Hai chàng trai chủ trương đưa câu chuyện và hình ảnh trực quan trong bài trình bày để tạo cảm hứng và lôi cuốn người xem.

Nguyen và Murillo cho rằng cách này giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn, thay thế những trang trình bày chỉ đơn giản là số liệu, chữ số hoặc một vài dấu chấm đầu hàng để làm nổi bật nội dung. Giá cho một gói trình bày dạng cơ bản khoảng 2.500 USD. Bên cạnh việc tạo nội dung hấp dẫn, cả hai nhà sáng lập cũng làm việc với giám đốc điều hành và nhóm bán hàng, tiếp thị để giúp đội ngũ này có thể chuyển tải được thông điệp tốt hơn.

Ban đầu, nhiều công ty tỏ ra nghi ngờ về mô hình hoạt động của Big Fish Presentations, vì công ty này phần lớn thuê sinh viên không có kinh nghiệm. Số khác còn ngần ngại về mức giá các gói sản phẩm. Tuy nhiên, Big Fish nêu rõ quan điểm và đưa ra thông điệp cho khách hàng tiềm năng rằng nếu bài thuyết trình thành công thì đây sẽ là tấm vé để giúp doanh nghiệp giành được hợp đồng lớn, bù đắp lại chi phí dịch vụ của họ.

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Nguyen và Murillo chỉ sử dụng máy tính cá nhân để tạo ra những bài thuyết trình, và khi khách hàng thanh toán tiền, họ mới tiến hành nâng cấp phần mềm. Chẳng bao lâu sau đó, hai chàng trai này có cơ hội xuất hiện trong chương trình Shark Tank của kênh truyền hình ABC. Đây là chương trình được hàng triệu người trên khắp nước Mỹ yêu thích và nhiều doanh nhân cũng như chủ các doanh nghiệp quan tâm.

Murillo chia sẻ: "Lúc đó chúng tôi thật sự cần tiền để trang bị thêm máy móc, chẳng hạn mua một máy ảnh với giá 20.000 USD".

Shark Tank sau đó ngỏ ý đầu tư cho Nguyen và Murillo, nhưng cả hai quyết định có thể tự kinh doanh thành công mà không nhờ vào các nhà đầu tư bên ngoài. Song song đó, họ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới. Với nỗ lực làm việc không ngừng, Big Fish Presentations mở rộng đối tượng gồm doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao và dịch vụ cung cấp thức ăn từ quy mô nhỏ cho đến lớn như Mutual of Omaha và Oracle. Doanh thu công ty tăng từ 58.000 USD vào năm 2011 lên đến 225.000 USD vào năm 2012. Quy mô hoạt động cũng mở rộng hơn, cụ thể, ngoài việc trình làng các bài thuyết trình hấp dẫn, Big Fish còn có đội ngũ 10 thành viên chuyên tư vấn, thiết kế, viết kịch bản và thực hiện sản xuất phim, video.

Murillo, đang theo học ngành khoa học chuyên về sinh học, cũng là sáng lập viên của Big Fish Presentations. Còn Nguyen đã rời trường đại học vào tháng 9 năm ngoái và anh quyết tâm dành tất cả thời gian của mình cho công ty với chức danh giám đốc điều hành. Nguyen cho hay, công ty và đội ngũ của mình cam kết với khách hàng rằng chỉ có công ty Big Fish Presentations chứ không phải một công ty nào khác sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt qua những bài thuyết trình hấp dẫn và hoàn hảo.

Chàng trai gốc Việt Kenny Nguyen năm nay 22 tuổi, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Big Fish Presentations. Kenny Nguyen và đội ngũ của mình làm việc hằng ngày với những khách hàng nằm trong danh sách Fortune 100.

Kenny Nguyen đã được trao tặng danh hiệu CEO Student Entrepreneur của năm 2012, được tổ chức bởi Collegiate Entrepreneur. Gần đây, Big Fish Presentations có tên trong danh sách 50 công ty hàng đầu thế giới được khởi nghiệp từ sinh viên do Hiệp hội Kairos tổ chức.

Theo Vnexpress