Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Thành Công Nhờ Bền Chí, Bền Lòng

Xuất thân từ thợ thủ công, nhưng ông Vũ Ngọc Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Lan (là 1 trong 5 công ty TNHH đầu tiên của TP. Hà Nội) đã thành công nhờ cần cù, sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội, bền chí, bền lòng, đi theo con đường đã chọn. Ông đã từng được bình chọn là doanh nhân tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương.


Nhờ bền trí, bền lòng, Doanh nhân Vũ Ngọc Bình đã gặt hái thành công từ xuất phát điểm là một người thợ thủ công.

Sinh ra và lớn lên tại làng Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) - làng nghề chạm khảm trai nghìn tuổi nổi tiếng, thuở ấu thơ của Vũ Ngọc Bình có tiếng ru ầu ơ của mẹ, lẫn tiếng lách cách chạm khắc đồ mỹ nghệ trong làng. Sản phẩm tinh xảo, đa dạng của làng là sập gụ, tủ chè, tủ thờ, bàn ghế, chạm óng ánh long ly quy phượng, hoành phi câu đối, tranh sơn mài, … Người làng hẳn phải yêu nghề lắm mới giữ và phát triển được nghề cho tới hôm nay.

Nuôi mộng làm giàu

Vũ Ngọc Bình bồi hồi nhớ lại, xưa kia, làng nghề Chuyên Mỹ của ông đã nổi tiếng lắm, nhưng thời chiến tranh loạn lạc, dân ly tán, làng nghề bị mai một nhiều. Vì vậy, ông đã nuôi mộng gìn giữ, phát triển nghề truyền thống để làm giàu cho mình và quê hương.

Ông tâm sự: Các cụ xưa đã dạy “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Tốt nghiệp phổ thông, tôi mang hành trang là nghề chạm khảm trai, rời làng lên Hà Nội với hy vọng lập xưởng sản xuất. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt nơi phồn hoa đô hội chưa cho tôi cơ hội thực hiện ước mơ ngay. Tôi phải làm qua nhiều nghề: thợ may, thợ điện, chữa máy X - Quang trong bệnh viện… để nuôi ước mơ.

Tôi rất tâm đắc hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi: “Nên thợ nên thầy vì có học/Có ăn có mặc bởi hay làm”. Hai câu thơ này là hành trang theo tôi suốt cuộc đời. Thời trẻ, nếu không học hành, rèn luyện thì chẳng thể gặt hái được kết quả gì đâu. Nghĩ vậy, nên tôi theo học tại chức Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi nghĩ, muốn thành đạt trong kinh doanh, muốn làm chủ doanh nghiệp, chỉ có quyết tâm thôi chưa đủ, mà cần có sự hiểu biết nữa. Thực tế mù mờ, sai một li đi một dặm. Vì thế nên tôi phải học, học để lấy kiến thức mà kinh doanh.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã xin thôi việc nhà nước. Lúc ấy tôi đã 30 tuổi, lại bắt đầu một bước ngoặt cuộc đời. Hồi đó, có chân trong cơ quan nhà nước là quý lắm, nên mình đang yên ổn mà lại xin ra thì họ cho là dại. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi muốn làm chủ doanh nghiệp! Tôi khởi nghiệp bằng chút vốn nhỏ và tay nghề chứ không vay ngân hàng. Tôi đầu tư theo kiểu con nhà nghèo để giữ nghề, sau đó phát triển dần dần. Đầu tiên tôi cùng với mấy người thân làm hàng đồ gỗ chạm khảm đi bán, sau đó từ từ tích lũy.

Có ăn có mặc bởi hay làm

Tích luỹ được ít vốn, mua được ngôi nhà. Mừng chưa được bao lâu thì cái “ hạn” nó đến. Ông bị liệt vào thành phần kinh tế bất minh. Ngôi nhà 30B phố Bà Triệu, Hà Nội vừa tậu được bị tịch thu cùng với 40 ngôi nhà khác cùng hoàn cảnh. Tất cả cơ nghiệp vừa gây dựng được bỗng dưng mất sạch sành sanh. Nhưng cái mất đáng tiếc hơn là danh dự. Bởi lúc ấy từng có người cười mà rằng: “ Của giời, giời lại lấy đi ”, nhưng họ không hiểu đó là mồ hôi công sức của ông chứ không phải của bỗng dưng. Sự kiện này làm ông phải mấy tháng mất ăn mất ngủ. Nhưng ông lại tự nhủ, nghĩ ngợi mãi cũng chẳng giải quyết được gì. Phải bắt tay vào làm việc và hy vọng: “Ngày mai trời lại sáng”!.

Ông lên kế hoạch tiết kiệm tiền và cần mẫn làm việc. Câu nói: “Có ăn có mặc bởi hay làm”, lúc nào cũng vang lên trong đầu. Ông thuê thợ rồi lập cơ sở sản xuất. Một ngày ông làm việc 12 tiếng, hết thiết kế sản phẩm, lại cặm cụi ngồi chạm khắc. Những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, qua bàn tay khéo léo của ông đã tạo ra nhiều họa tiết tinh vi, phức tạp. Ông rất giỏi phân biệt các loại vỏ trai. Trai cánh mảnh, nhỏ, có màu sẫm, trong khi trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân. Trai ngọc bên trong có lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng. Cùng với trai, vỏ ốc đỏ có màu sắc sang trọng được coi là nguyên liệu quý hiếm dùng để làm cảnh núi non, cánh phượng, cánh rồng hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm vua chúa…

Ông tiết lộ, một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là “ cẩn xà cừ ”, theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Sau khi “ cẩn ” xong, tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét. Công đoạn cưa, đục các mảnh trai cầu kỳ nhất. Ông phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng, chọn thợ đục, lựa các miếng trai cho đủ mặt tranh. Hàng trăm, hàng nghìn miếng trai đính chặt vào mặt gỗ đã chạm sẵn khuôn hình.

Hết ngày này qua ngày khác, hàng loạt sập gụ, tủ chè, tủ thờ, bàn ghế, hoành phi câu đối,… xếp hàng chật nhà. Làm được một đợt hàng, ông lại đi tìm thị trường tiêu thụ. Lúc đầu bán lẻ chẳng được bao nhiêu, ông tìm mối bán buôn, thu tiền một cục. Sản phẩm tinh xảo, chất lượng đồng đều, làm đến đâu bán hết đến đó. Thu được số tiền lớn, ông không tiêu pha phung phí cho sở thích cá nhân mà tiếp tục đem đầu tư kinh doanh.

Thành công nhờ biết nắm bắt cơ hội

Có thể nói, ông Bình là người nắm bắt cơ hội rất tốt. Cơ hội làm ăn kinh doanh đầu tiên mà ông tiệm cận được vào năm 1986. Năm 1986 Đại hội VI của Đảng đã có nghị quyết về đổi mới kinh tế, đó là hy vọng để ông tiếp tục thực hiện giấc mơ doanh nhân của mình. Lúc này Hà Nội mới có vài công ty tư nhân, ông thấy mình có đủ khả năng chuyển từ cơ sở sản xuất sang quy mô lớn hơn. Năm 1988 ông quyết định lập Xí nghiệp Tư nhân Phương Lan, chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Nhờ uy tín trong sản xuất, nắm bắt thị trường kịp thời, xí nghiệp của ông có doanh thu tăng trưởng không ngừng. 4 năm sau, xí nghiệp chuyển thành Công ty TNHH Phương Lan. Đây là 1 trong 5 công ty TNHH đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Sau 10 năm phát triển sản xuất kinh doanh, khi tích lũy được số vốn khá lớn, ông Bình tính tới việc mở thêm lĩnh vực kinh doanh. Nhưng lĩnh vực gì bây giờ, trong khi mình chỉ thạo sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Ông thừa nhận mình là người biết tính toán và nhận ra cơ hội rất nhanh. Ông kể: “Lúc đó ở Hà Nội chỉ có mấy khách sạn lớn, trong khi khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội ngày càng đông và không phải ai cũng có nhiều tiền để nghỉ tại các khách sạn sang trọng. Tôi bèn bán căn nhà rất đẹp rộng 106 m2 ở phố Trần Nhân Tông, đủ tiền để mua căn nhà cũ 400 m2  ở phố Nguyễn Công Trứ, xây dựng khách sạn 3 sao ASIA. Lúc đó, tôi tính được hiệu quả của việc xây khách sạn. Đến nay, sự tính toán của tôi vẫn đúng. Cách đây 15 năm, giá xây dựng chỉ có 50.000đồng/m2, tiền phòng so với bây giờ đắt gấp 2,5 lần, lượng khách đông gấp 2 lần, trong khi tiền lương chỉ bằng 40% hiện nay, chi phí tiền điện – nước bằng 40% hiện nay... Nên kinh doanh chỉ trong 5 năm tôi đã thu đủ vốn. Nếu tôi không chớp cơ hội xây khách sạn lúc còn khan hiếm, để bây giờ mới xây, có lẽ đến đời cháu tôi chả thu lại đủ vốn”.

Vừa kinh doanh khách sạn, vừa sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ trong nước, ông không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh ở nước ngoài. Trước tiên, ông mạnh dạn tìm đến thị trường nước ngoài để tìm đầu ra cho xuất khẩu, thông qua các hội chợ triển lãm theo các đoàn tham quan tìm hiểu thị trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức. Nhờ có đầu ra khá ổn định, hàng xuất khẩu của công ty được mở rộng, đa dạng, doanh thu lớn từ đồ gỗ khảm trai và hàng gốm sứ.

Một cơ hội lớn khác ông cũng nắm bắt được là xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ chạm khảm ở Thường Tín. Tuy thành lập công ty rồi nhưng diện tích sản xuất còn hẹp quá. Không muốn làm ăn “cò con”, ông lên kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, vừa để làm giàu cho mình, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động. Nhưng muốn phát triển phải có hạ tầng. Ông bèn đi mua lại toàn bộ mặt bằng của Hợp tác xã Đông Phong, phố Minh Khai, Hà Nội. Sau đó, tiếp tục mở rộng cơ sở đồ gỗ chạm khảm từ 1.400 m2 lên 3.000 m2, 12.000 m2, tiếp tục về quê tuyển thợ. Từ quy mô xưởng thủ công mỹ nghệ đã thành một cơ sở lớn với hơn 70 công nhân, trong đó 30% là lành nghề. Thấy làm xưởng ở phố chật hẹp, ông nghĩ đến việc mua đất ở ngoại thành xây nhà máy, sản xuất quy mô lớn. Đến năm 2006, ông cho xây dựng nhà máy đồ gỗ chạm khảm ở Thường Tín, diện tích hàng chục nghìn m2. “Lúc đó, tôi tự lên ý tưởng thiết kế nhà máy, chỉ thuê vẽ phác thảo, tự thuê thợ xây, đích thân trả tiền vật liệu xây dựng mà không qua trung gian. Nên tiết kiệm được mấy chục tỷ đồng”- ông Bình chia sẻ bí quyết.

Vốn là người làm nghề, hiểu nghề, trọng nghề, nên ông Bình rất coi trọng thợ giỏi. Các cụ ngày xưa thường nói “dụng nhân như dụng mộc”, làm quản lý phải coi thợ giỏi như tướng tài. Ông bày tỏ: “Quan điểm vậy nên tôi tìm cách thu hút và giữ chân thợ giỏi ở lại với mình. Muốn vậy, mình phải thành tâm trọng dụng và có chế độ đãi ngộ thích đáng. Tôi xây dựng khu tập thể cho công nhân, lo bữa trưa cho họ chu đáo… Từ năm 1994, tôi đã trả công cho thợ bậc cao 3 triệu đồng/tháng. Vì thế mà đội ngũ thợ của tôi toàn là những người có “bàn tay vàng”.


Biết nắm bắt cơ hội đã giúp doanh nhân Vũ Ngọc Bình
mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (Ảnh ông Vũ Ngọc Bình chụp tại Nhật)

Chiến lược xây dựng hậu phương vững chắc

Để doanh nghiệp phát triển bền vững, ông Vũ Ngọc Bình luôn nghĩ đến chiến lược xây dựng một hậu phương vững chắc, đó là gia đình. Những người con trong gia đình ông đã biết quản lý kinh tế, cùng cha định hướng chiến lược kinh doanh một cách chắc chắn và đầy hiệu quả. Con trai đầu của ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang quản lý xí nghiệp đồ gỗ trạm khảm. Con gái thứ hai tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế, học cao học ở Anh, về nước quản lý Khách sạn Á Châu. Con gái út học Đại học Ngoại Thương, được chọn sang Nhật đào tạo, dự kiến sẽ quản lý xí nghiệp may.

Nếu còn làm nhà nước, bây giờ đã ở tuổi hưu trí và vui vầy với cháu con, nhưng ông Bình vẫn kinh doanh. Ông may mắn có người bạn đời chung thủy, đảm đang, luôn bên cạnh để chia sẻ những vui buồn. Bà  là người phụ nữ nhân hậu, luôn chăm lo cho chồng con, thu vén gia đình, ủng hộ ông trong sản xuất kinh doanh. Ông bảo: “Đất nước đổi mới, chúng tôi mới có được ngày hôm nay. Ba đứa con tôi đều thành đạt. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Các cụ nhà mình nói cấm có sai bao giờ. Bây giờ, một vài cơ sở các cháu đã trông nom được, nên vợ chồng tôi không đến nỗi vất vả như trước. Nói vậy nhưng không lúc nào tôi hết lo. Kinh doanh cực nhọc lắm và không phải tất cả mọi người đều thông cảm được cho mình”.

Nỗ lực đi lên từ một cơ sở nhỏ sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, đến nay, Công ty Phương Lan do ông làm chủ đã phát triển vững chãi. Bởi ngay từ khi mới bước vào kinh doanh, ông đã đặt ra mục tiêu: năm sau phải tăng trưởng hơn năm trước 10-15% doanh thu và kiên định thực hiện bằng được. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn Công ty Phương Lan vẫn có việc làm cho khoảng 200 lao động, với lương bình quân 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Bật mí” về bí quyết thành công, ông Vũ Ngọc Bình tâm sự: “Tôi vốn xuất thân từ người thợ thủ công, không có điều kiện học nhiều nên phải tự học là chính. Chủ yếu tôi học trong trường đời kinh doanh, học từ kinh nghiệm của mình và từ nhiều người khác… Nhưng quan trọng nhất là phải cần cù, đam mê, sáng tạo, biết nhanh chóng chớp lấy cơ hội kinh doanh, phải bền chí, bền lòng, kiên nhẫn đi theo mục tiêu mình đã chọn”.

Theo Hoclamgiau

0 nhận xét:

Đăng nhận xét