Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

" AM " - Sứ Giả Của Arum Đà Lạt

Từ ngày đặt chân lên Đà Lạt, tôi được nghe bạn bè kể nhiều về xứ sở các loài hoa. Từ loài dã quỳ mộc mạc - đặc trưng của vùng Tây Nguyên, đến những loài hoa quý vùng cao nguyên Lâm Viên như: Phượng tím, mimosa, loa kèn... Song, loại Arum thì tôi mới được nghe, được thấy nhờ "lần" theo địa chỉ "thương hiệu AM" trên bao bì của một công ty hoa hạng sang ở TP.HCM...

"AM" - Anh Minh - Trần Đức Minh (1953), một nông dân thuần tuý ở thôn Đất Làng - xã Xuân Trường - Đà Lạt. Anh đang tỷ mẩn thu hoạch những nụ Arum (thuộc họ hoa loa kèn) lứa đầu, anh cho hay: "Trong hơn hai tháng qua, gia đình tôi thao thức với loại hoa này, chẳng biết sự chuyển đổi... có đúng hướng không? Bởi đây là loại hoa mới với nhà vườn Đà Lạt, canh tác theo hướng dẫn của sách vở, chẳng chút kinh nghiệm".

Nghe nói, anh là người có công đầu "kén" loại Arum về cho thành phố hoa?- Tôi hỏi. "Điều đó thì tôi không dám chắc, nhưng tôi cho rằng, loại Arum chỉ mới xuất hiện ở nhà vườn Đà Lạt trong thời gian gần đây thôi, và những hộ canh tác loại này chỉ đếm chưa đủ trên đầu ngón tay". Mộc mạc và khiêm tốn, nhưng quyết đoán trong phương thức làm ăn, nên trên cùng một diện tích đất sản xuất như bao nhà nông khác trong vùng mà hộ Trần Đức Minh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhớ lại lời ông Hà Phước Ta - Chủ tịch UBND xã Xuân Trường - khi tôi đặt vấn đề giới thiệu một gương sản xuất giỏi của xã, ông nói ngay: "Anh Trần Đức Minh ở thôn Đất Làng, chuyên trồng hoa cao cấp trong nhà kính, "nhân vật" của xã đó!". Thêm một lần nữa, tôi khẳng định "nhân vật" của mình.

Thời kinh tế thị trường, mỗi người có một "kênh" làm ăn riêng, và điều quan trọng - quyết định sự thành công là nhạy cảm trong việc đón đầu thị hiếu khách hàng. Ngày xưa, không riêng gì gia đình anh Minh mà số đông dân Xuân Trường trồng su su - như một nhu yếu phẩm bán cho Tây, ngày làm, đêm đi trú... Rồi anh chuyển sang trồng rau, lấy công làm lãi, tằn tiện nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Với diện tích 1,1ha, anh quyết định chuyển toàn bộ sang trồng hoa (6 sào) và hồng ăn trái (năm 1999). Bước chuyển đổi ngoạn mục đã hoá giải bài toán kinh tế của gia đình.

Chị Ngô Thị Tuyết - vợ anh Minh thổ lộ: "Ngày đó, cả nhà lo lắm, anh Minh phải lặn lội khắp nơi để chắp nối kinh nghiệm trồng hoa, cũng may trời không phụ lòng người..." Hiện nay, ngoài 2 vợ chồng là lao động chính của gia đình, họ còn thuê 4 lao động và trả lương 1 triệu đồng/người/tháng. Năm 2002, doanh thu từ 6 sào hoa (chủ yếu hoa cúc, đồng tiền) của họ đạt 250 triệu đồng, lợi nhuận 30% cộng với 30 triệu đồng tiền lãi từ cây ăn quả.

Trở lại chuyện hoa Arum, anh Minh cho biết: "Cũng nhờ 3 đứa con học ĐH ở TP.HCM tôi mới biết loại hoa này và nhìn được hướng phát triển của nó. Tôi tìm đến Cty Đất Việt (TP.HCM) - chuyên thu mua, cung cấp hoa cao cấp... ký kết làm ăn lâu dài. Đất Việt cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, tôi trồng thử nghiệm khoảng 200 m2 trong nhà kính và cho hiệu quả khả quan". Loại Arum có trên 15 màu, nhưng thị trường hiện ưa chuộng 4 màu: Vàng nghệ, vàng viền nâu, vàng kem và đỏ. Một củ giống cho khoảng 2 bông, 2 tháng là thu hoạch được.

Anh Minh đang có kế hoạch chuyển đổi một nửa diện tích đang trồng hoa cúc, đồng tiền sang trồng Arum (3 sào, khoảng 20.000 củ giống), trồng gối vụ 2 tháng/lần để có hoa thu hoạch quanh năm. Anh cho rằng, loại hoa này chưa có áp lực cạnh tranh trên "sân nhà" nên còn nhiều thuận lợi. Với giá hiện nay - dao động từ 6,5 - 9 ngàn đồng/cành, chắc chắn năm 2003 tổng lợi nhuận của gia đình sẽ đạt 400 - 500 triệu đồng.

Theo dự đoán của những nhà vườn đang canh tác Arum: Tương lai, loại hoa này sẽ góp phần giảm bớt nỗi lo toan trên đòn gánh nhà nông Đà Lạt

NNVN (Vietnam Website)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét