Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Đổi Lục Bình, Bẹ Chuối Lấy ... Ngoại Tệ

Chỉ từ những chiếc chiếu, chiếc đèn ngủ, tủ bếp... làm từ lục bình, bẹ chuối, mỗi năm đã đem về cho cơ sở thủ công mỹ nghệ “Vĩnh Thịnh” của ông Triệu Vĩnh Thịnh ở đường Mậu Thành, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cả triệu đô la.

Ông Thịnh kể: "Có lẽ tôi có duyên với những loại cây dân dã này". Trước khi đến với lục bình, ông đã "kết bạn" với cây chuối. "Nhìn những bẹ chuối bị vứt bỏ, tôi thấy tiếc lắm. Phải làm gì đó để khỏi phí hoài “mỏ bẹ chuối” trời cho”. Rồi ông thử lấy sợi của bẹ chuối để làm giỏ xách. Sau chiếc giỏ xách, hàng loạt sản phẩm bằng bẹ chuối khác như: võng, giày dép, ghế ngồi... lần lượt ra đời bởi đôi bàn tay tài hoa của ông già trên 70 tuổi. Ông đem những “đứa con tinh thần” của mình lên TP. Hồ Chí Minh tiếp thị. Sản phẩm của ông nhanh chóng được nhiều cửa hàng đặt mua với số lượng lớn. Nhiều nơi còn đặt ông làm hàng theo mẫu. Từ TP. Hồ Chí Minh, những vật dụng xinh xắn như đĩa đựng ly, chụp đèn ngủ, tách, hộp đựng đồ trang sức... giá vài cent đến những chiếc chiếu, giỏ xách, tủ bếp... giá vài chục đô la của ông đã bay sang tận châu Âu, châu Á...

Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm bằng bẹ chuối, ông tiếp tục tung ra thị trường những chiếc võng, giỏ xách... bằng lục bình. Ông cho biết: Sản phẩm thủ công muốn cạnh tranh và xuất khẩu được không chỉ đẹp về hình thức mà chất lượng phải tốt. Chẳng hạn những đôi giày làm bằng nguyên liệu lục bình của ông vừa nhẹ, vừa mát mà còn có tác dụng về mặt y học nên khách hàng rất ưa chuộng. Hay như chiếc võng làm từ bẹ chuối có tác dụng hút nhiệt nên người nằm áo không bị dính mồ hôi... Để có được những sản phẩm này, theo ông công đoạn xử lý nguyên liệu là quan trọng nhất. Lục bình vớt từ dưới sông lên hoặc trồng phải có độ dài tối thiểu 50cm, gốc phải trắng, không dính phèn. Trước khi đem phơi khô phải cắt bỏ toàn bộ rễ, lá sau đó mới sơ chế.

Ông cho biết, nhu cầu về mặt hàng thủ công từ bẹ chuối, lục bình còn rất lớn. Năm 2001, sản phẩm của cơ sở ông đã có mặt ở Nhật, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan... và đã đem về cho ông gần 1 triệu đô la. Năm 2002, doanh thu tăng lên 1,2 triệu đô la. Nhưng điều quan trọng hơn cả là cơ sở “Vĩnh Thịnh” đã tạo công ăn, việc làm cho gần 2.000 lao động, trong đó đa phần là nghèo, không có nghề nghiệp. Ông cho biết, trước khi vào làm việc cho ông, họ sẽ được hướng dẫn cách làm. Khi đã thành thạo tay nghề, ông sẽ ký hợp đồng lao động với họ.

NTNN (Vietnam Website)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét