Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

1 Vụ Tôm Thu Lãi 3,2 Ty $

Anh nông dân Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) đã gây... sốc với bài tham luận giới thiệu những kinh nghiệm nuôi tôm sú bền vững do anh xây dựng. Anh được mệnh danh là "Tỷ phú Sáu Ngoãn" nhờ có sáu mùa tôm thành công liên tục. Trong đó, lần "thắng lớn" gần đây nhất thu 72 tấn tôm thương phẩm trị giá 7,7 tỷ, lãi ròng 3,2 tỷ đồng...

Một lần "thất", sáu lần "trúng"...

Khởi nghiệp với 100 triệu đồng vốn ban đầu trên diện tích 3 ha chuyển nhượng vào năm 2001, anh Sáu đầu tư cải tạo đất thành 4 ao thả tôm giống mật độ thưa. Sau hơn 5 tháng chăm sóc, dù "bể" một ao nhưng 3 ao còn lại cũng cho sản lượng xấp xỉ bốn tấn tôm thương phẩm, thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Thành công không trọn vẹn, vụ tiếp theo anh quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ nhưng thất bại vì tôm không phát triển, phải thu hoạch sớm. Không nản chí, năm 2002, anh Sáu kiên trì lặn lội từ tỉnh này sang tỉnh khác, học hỏi mô hình sản xuất hiệu quả và quyết định mở rộng diện tích sản xuất lên 7ha với 8 ao nuôi tôm sú, diện tích mỗi ao rộng 5.000 m2. Với anh Sáu, vụ tôm năm ấy đã để lại dấu ấn quan trọng với số lãi thu được lên đến hàng tỷ đồng.

Từ năm 2003, ngoài bảy ha nuôi tôm của gia đình, anh nông dân Võ Hồng Ngoãn còn liên kết với năm đối tác khác thành lập trang trại nuôi trồng thủy sản với quy mô 25 ha. Vào tháng 11/2004 vừa qua, tổng sản lượng thu hoạch từ 32 ao tôm của tỷ phú Sáu Ngoãn lên đến 72 tấn tôm thương phẩm, đạt kích cỡ bình quân 25 con/kg, trị giá 7,7 tỷ đồng, cho lãi ròng 3,2 tỷ đồng...

Những bí quyết của Sáu Ngoãn

Dự cảm một tương lai không mấy sáng sủa của nghề nuôi tôm, bằng các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm sẵn có, anh đã tìm mọi cách hạ giá thành và hướng tới sản xuất những sản phẩm sạch, được thị trường chấp nhận... Sáu Ngoãn đã không ngại "bật mí" về bí quyết nuôi tôm của mình.

Điểm "khác người" đầu tiên trong quy trình nuôi tôm sú của Sáu Ngoãn nằm ở khâu chuẩn bị ao nuôi. Thông thường, người ta cải tạo ao bằng cách "đánh" hóa chất Neguvon A xuống ao với liều lượng khoảng 5 kg cho 5.000 m2 diện tích mặt nước . với giá 260.000 đồng/kg hóa chất, chi phí cho mỗi lần xử lý thuốc không dưới một triệu đồng, mà chưa chắc đã tiêu diệt sạch giáp sát trong ao nuôi - vì chúng có thể rút vào ẩn nấp trong hang. Anh Ngoãn thì khác. Anh cho rút kiệt nước và diệt giáp sát, cua còng ở trong hang chỉ bằng 150gram Neguvon A với một ký cơm nguội và đặt theo mỗi miệng hang của chúng khoảng 10 hột cơm. Cứ thế, ba ngày sau lặp lại một lần cho triệt để rồi mới sên vét và phơi đáy ao từ 8-15 ngày. Cách làm này tiết kiệm chi phí, không tồn lưu hóa chất, loại trừ nguy cơ phá hủy môi trường sinh thái...

Trong khâu xử lý nước, "chuyên gia" Võ Hồng Ngoãn cũng có cách làm "không giống ai", nhưng rất hiệu quả. Thay vì "đánh" hóa chất xử lý nước định kỳ, theo anh, tùy từng trường hợp, có thể sử dụng hóa chất diệt khuẩn hoặc vi sinh để xử lý nước nhưng trước khi quyết định sử dụng, phải mang mẫu nước đi... xét nghiệm ở cơ quan chuyên môn - Nếu kết quả cho thấy mẫu nước sạch, mật độ vi khuẩn thấp dưới mức cho phép mới sử dụng vi sinh theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Nếu không, có thể dùng vôi CaCO3 với liều lượng 20-30 kg/1.000 m3 nước. "Chi phí sử dụng vi sinh hoặc vôi thấp hơn sử dụng hóa chất nhiều".

Tuy nhiên, thông điệp quý nhất - cũng có thể gọi là bí quyết mà Sáu Ngoãn muốn gửi tới các nhà quản lý và bà con nông dân là không nên nuôi tôm ở mật độ quá cao, lý tưởng nhất là mật độ từ 20 con/m2 trở xuống để bảo đảm hiệu quả bền vững. Anh Sáu cho rằng: "Nông dân mình "chết" với cái này đây. Bà con nuôi 30 - 40 con/ m2 chỉ để làm giàu cho các nhà sản xuất thuốc thủy sản, thức ăn nuôi tôm mà thôi.

Có trong tay bạc tỷ, anh Sáu vẫn tềnh toàng với bộ đồ ka ki bạc thếch, ngày lại ngày quanh quẩn giữa các đồng tôm trên chiếc xe máy Citi cà tàng mầu... cát biển, loay hoay với khát vọng đổi đời không chỉ cho riêng mình. Mùa tôm 2005 ở Bạc Liêu mới bắt đầu với kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn lên hơn 122.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp được tỉnh giao kế hoạch "khống chế" ở mức 13.200 ha, nhưng nhiều khả năng vẫn dẫn đầu các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2005 của hai ngành nông nghiệp và thủy sản diễn ra vào cuối tháng 1/2005, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung khuyến cáo nông dân nuôi tôm mật độ thưa đại trà "như Sáu Ngoãn" đã làm. Đây chắc chắn là một tin vui đối với anh "Hai Lúa làm khoa học" Võ Hồng Ngoãn. Bởi lẽ, quy trình nuôi tôm và những ý tưởng gây... sốc của anh đã lặng lẽ đi vào cuộc sống.

Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét