Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Từ Tên Cướp Thành Chủ Trang Trại Tiền Tỷ

Là người tù biết vượt lên số phận, ông Dương đã thành chủ trang trại có quy mô lớn nhất vùng, tạo việc làm cho nhiều người dân.

Ông Dương đứng trước thành quả lao động của mình

Trần Văn Dương (48 tuổi, ở xã Đức Long, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là chủ trang trại duy nhất ở cánh đồng Bà Nghẹo, với hàng trăm con lợn, gà và hệ thống ao cá kết hợp. Trang trại như một khu nghỉ dưỡng, du lịch bởi sự sạch sẽ, thoáng đãng. Để có được ngày hôm nay, ông Dương đã cố gắng vượt qua mặc cảm của người từng đi tù.

Ông Dương nhớ lại, năm 1983, khi đang học lớp 11 đã cùng 3 người bạn cùng lớp lập nhóm cướp tại khu vực ga Đức Lạc. Sau 2 phi vụ đầu thành công, một thành viên bị nạn nhân bắt được, giao công an. 3 người còn lại bị bắt sau đó. Dương bị tuyên phạt 7 năm tù.

Sau 5 năm khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc, ông được đặc xá ra tù trước thời hạn. Trở về đời thường, như bao người tù khác, ông mặc cảm, ngại tiếp xúc với bạn bè, bà con lối xóm. Mất gần một năm hoài phí với nỗi mặc cảm ấy, được bố mẹ động viên, ông vào miền Nam lập nghiệp.

Bôn ba khắp các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc, cũng phải mất hơn 5 năm, sau cùng ông dừng chân tại tỉnh Lâm Đồng, giúp việc cho một ông chủ trang tại đồn điền, chăn nuôi và trồng hoa.

Bốn năm gắn bó với chủ trang trại này, Dương không chỉ tích cóp được số vốn 20 triệu đồng, đủ để về quê khởi nghiệp mà được người con gái của nắng gió cao nguyên đem lòng yêu thương. Cô là con của một ông chủ trang trại mà ngày thường Dương vẫn bỏ mối trong thời gian làm thuê.

Trang trại tiền tỷ đẹp như tranh của ông Dương

Hai vợ chồng cưới nhau được một thời gian thì khăn gói về quê ở Hà Tĩnh quyết tâm làm giàu. Dương khởi nghiệp bằng chiếc máy xay xát phục vụ người dân trong xã chăn nuôi lợn vì chưa đủ vốn để hiện thực hóa giấc mơ trang trại mà đã ấp ủ theo mô hình của ông chủ ở Lâm Đồng.

Hai năm sau khi về lại quê hương, Dương thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng để chăn nuôi lợn theo quy mô lớn, vừa làm vừa lọ mọ chọn hướng đi phù hợp. Lứa lợn đầu tiên xuất chuồng, vợ chồng lỗ nặng do thiếu kinh nghiệm. Phong thủy địa phương cũng khác nên không thể áp dụng rập khuôn theo mô hình nơi khác.

Năm 2003, ông Dương tiếp tục vay mượn để đầu tư vào mô hình chuồng trại. Lần này, Dương gặp chính quyền địa phương, xin được mượn vùng đất sình lầy hoang hóa ở cánh đồng Bà Nghẹo để lập trang trại. Chưa đầy một năm sau, vùng đất này đã biến thành vườn cây, trang trại chăn nuôi lợn, gà và ao cá.

5 năm miệt mài với công việc chăn nuôi, ông Dương có trong tay khối tài sản với 1.500 con vịt đẻ, 300 con lợn gồm có cả nái lẫn lợn thương phẩm, 10 con bò và hơn 1 hecta ao hồ nuôi cá nước ngọt. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Đại tá Nguyễn Xuân Chính, Trưởng Công an huyện Đức Thọ cho biết, ông Dương là điển hình tiên tiến trong khu dân cư, biết vượt qua quá khứ lỗi lầm để hoà nhập tốt với xã hội. Trong các chương trình phòng chống tội phạm, an ninh trật tự ở địa phương, ông Dương luôn tham gia nhiệt tình và có tiếng nói khiến người khác phải kính nể. Từ năm 2005 đến nay, ông Dương có tên trong Hội đồng nhân dân của xã Đức Long và năm nào cũng được tín nhiệm với số phiếu cao.

Theo CAND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét