Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Người Khiến Bưởi Ra Trái Trong Thân

Ai có về ấp Tân Phú, xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre) sẽ thật thú vị khi được nghe kể chuyện ông già “khiển” được cây bưởi ra hoa, đậu trái trong thân và suốt 4 mùa.

"Toa thuốc" hai hoa.

Từ cửa ngõ Chợ Lách, cái nôi của vùng cây trái đặc sản nức tiếng Nam bộ, men theo những con đường ngoằn ngoèo, mới đến được cơ ngơi của lão nông Hai Hoa, người từng làm “bà đỡ” cho cây bưởi “sinh đàn, đẻ đống” theo ý muốn. Ông Hai Hoa có khu vườn 5 công trồng toàn bưởi da xanh. Đây là loại trái cây đặc sản của Bến Tre mới phát hiện cách đây vài năm, mà thời hoàng kim nó được xem là “bưởi quí tộc”. Quí tộc ở chỗ ngon đến mức dân nghèo không dám ăn, nhà vườn hét giá cỡ nào, người ăn bưởi sành điệu không thấy tiếc tiền. Có lúc, giá từ 18 - 20 ngàn đồng/kg.

Bưởi da xanh hiếm thấy ở chợ làng chợ xã mà đi vào siêu thị hay về những chợ đầu mối tiếng tăm và “cấm cung” chốn nhà hàng sang trọng. Bưởi cho trái thật to, có trái cân nặng hơn 3 ký. Dù chín hay sống, vỏ vẫn giữ màu xanh, không ngả vàng. Ruột màu hồng sen, không hạt, mọng nước và ngọt thanh. Trái hái từ vườn để càng lâu, hương vị càng đậm đà.

Người ta đồn không sai, vườn bưởi của ông Hai Hoa hơi dị biệt. Cây "cũn cỡn" nhưng tán xòe rộng, trái đặc nghẹt trong thân. Khác xa thường tình cây bưởi cho trái ngoài tán lá, dễ bị ánh nắng mặt trời làm cháy nám, sượng múi và biến dị hình dạng. Để khắc phục hiện tượng nám vàng, nhà vườn thường bao trái bằng túi PE, hoặc trồng xen cây so đũa, vừa che mát, vừa cải tạo đất. Nhưng như thế dễ nảy sinh hệ lụy, khó kiểm soát côn trùng gây hại, nhất là rầy chổng cánh, tác nhân của bệnh vàng lá Greenin.

Ông Hai Hoa lý giải: “Bưởi quí mà sượn cóng, mất tiếng như chơi, còn gì là bưởi Bến Tre”. Nhiều lần ý nghĩ chợt đi qua trong đầu ông: giá mà cây bưởi cho trái trong thân thì đỡ khổ. Cây mai tuốt lá ra bông, thử một lần tuốt lá cây bưởi xem sao. Cái chuyện ông đã làm nghe không khoa học tí nào. Lẽ thường hạc là hạc, cò là cò, chứ đời nào cây bưởi lại giống cây mai. Nhưng lạ thiệt, những cành bưởi nhỏ bé trong thân mà nhà vườn gọi là nhánh “nhện”, qua bàn tay chủ vườn, nó phát hoa thành chùm và đậu trái . . . thành chùm.

Ông mừng rơn, tuốt hết cả vườn. Nhưng tuốt xong gặp cảnh ứ hự. Số “ngoan ngoãn” đơm bông như lúa trổ đòng. Số “cứng đầu cà chớn”, tuốt năm lần bảy lượt không xong. Vì thế mà ông quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày ghi chép, thử nghiệm tới, thí nghiệm lui. Cuối cùng, ông đã tìm ra “bài thuốc”, buộc cây bưởi hễ tuốt lá là thành hoa, thành trái. Ông vạch cho tôi xem một nhánh nhện còi cọc, ra vẻ cán bộ khuyến nông: “Coi vậy, tiền là tiền. Trước đây tỉa bỏ, giờ cưng như vàng”.

Bài thuốc mà ông Hai Hoa “ra toa” nghe dễ ợt. Vậy mà ông phải mất gần 1 năm trời mới hoàn chỉnh qui trình kỹ thuật. Đơn giản là, khi cây bưởi chuẩn bị đâm đọt non, vốc phân NPK vào. Bưởi 3 năm tuổi, bón khoảng 0,2kg/gốc. Chừng 1 tuần sau, cây bén phân sung sức, bắt đầu xử lý nhánh nhện. Cành ở ngọn giữ nguyên. Tuốt sạch lá những nhánh nhện giữa thân và gốc. Thường chỉ tuốt khoảng 70% số nhánh nhện. Chừa 30% để dành tuốt vào đợt sau. Độ 25 ngày sau, nhánh nhện đâm chồi non và mầm hoa. Giai đoạn này phải cung cấp đủ nước để tránh rụng bông, đổ trái.

Khi kích cỡ trái đạt đường kính 5 phân, nhặt bỏ hết trái xấu, chỉ giữ lại 3 trái/chùm. Một năm tuốt lá 3 đợt. Mỗi đợt giữ lại khoảng 20 trái. Áp dụng đúng “toa thuốc” này, đặc tính sinh học tự nhiên của bưởi cho trái ngoài tán lá hoàn toàn bị khống chế, buộc cây thuộc họ có múi này cho trái trong thân, tránh được hiện tượng cháy nắng, nâng cao phẩm chất trái bưởi da xanh thương phẩm.

Mở ra hướng đi mới

Không còn thụ động chờ bưởi ra bông, đậu trái theo kiểu “há miệng chờ sung”, chuyện tuốt lá bưởi rộ lên khắp nơi, nhà ông bỗng trở thành “trung tâm tư vấn” bất đắc dĩ. Rồi té ra một chuyện, nhiều người ra công tuốt hết vườn bưởi, chạy đến mắng vì bông chẳng thèm ra. Ông Hai Hoa cười khà: “Tôi thử nghiệm rồi, cách này không áp dụng được cho cây bưởi thường. Lạ thiệt, chỉ cho kết quả trên cây bưởi da xanh”. Chính ông không giải thích nổi, mấy người trồng bưởi da xanh nổi tiếng cũng chào thua.

Vậy là, ông Hai Hoa không chỉ “khiển” được cây bưởi da xanh cho trái trong thân, mà bắt chúng cho trái “tứ quí”, tăng năng suất lên gấp nhiều lần. Trong khi nếu trồng và chăm sóc bình thường, bưởi cho trái lác đác và chỉ rộ lên vào khoảng rằm Trung thu. Để chất lượng trái bưởi da xanh đậm đà và tăng tuổi thọ, ngoài bón phân hóa học một lượng vừa phải, ông tận dụng triệt để phân bón hữu cơ, tiến tới trồng bưởi bằng phương pháp sinh học.

Ngoài ra, để khắc phục hiện tượng thụ phấn chéo, ông không trồng xen một loại cây nào khác, mà trồng chuyên một giống bưởi da xanh. Thực tế trong thời gian qua, nhiều nhà vườn không quan tâm đến vấn đề này, làm cho bưởi da xanh biến chất, hạt to, chua và không tróc. Chỉ cần một làn gió, hoặc các loài côn trùng lấy mật, sẽ diễn ra quá trình giao phấn giữa bưởi da xanh với các giống cây trồng khác.

Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng đang triển khai dự án thử nghiệm trồng bưởi da xanh theo phương thức này tại Bến Tre, nhằm xác lập và quảng bá cho nông dân qui trình kỹ thuật nâng cao chất lượng trái bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn EUREGAP xuất khẩu.

Trong lúc Bến Tre đang triển khai dự án phát triển 1.000 ha bưởi da xanh xuất khẩu, thì việc kích thích giống bưởi này cho trái quanh năm, không lệ thuộc vào mùa vụ, năng suất cao và phẩm chất ngon như ông Hai Hoa đã làm rất cần được khuyến khích. Tại Bến Tre có lão nông Ba Rô ở Thanh Tân (Mỏ Cày) là vua bưởi da xanh và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu trái bưởi cho riêng mình. Ông Hai Hoa cũng nghĩ đến điều này. Và chỉ trong nay, mai, giống bưởi da xanh sẽ có thêm thương hiệu “Bưởi da xanh Hai Hoa” .

Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét