Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Ốc Hương Lên ...

Theo anh Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ (TP. HCM): “Hiện nay một số loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao như cá chình, cá mú, ốc hương… được ngư dân mang về phát triển nuôi ở đìa tôm và rất thành công. Như con ốc hương, dù ngư dân ở đây chỉ nuôi được vài vụ đầu tiên, nhưng kết quả thu lợi khá cao nên có thể phát triển khả quan tại Cần Giờ…”. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở Cần Thạnh kể, chồng chị là người Đài Loan nên chị thường hay đi về nhà chồng. Sau nhiều lần đi đi về về Đài Loan, chị tìm hiểu giá ốc hương thương phẩm bán ở vùng lãnh thổ này rất cao, giá từ 250.000 đồng/kg đến 300.000 đồng/kg.

Là một dân vạn chài bao năm sống với nghề ở vùng biển Cần Giờ, chị chợt nghĩ, tại sao mình không thể nuôi trồng loài hải sản có giá trị kinh tế cao này để xuất khẩu sang Đài Loan khi giá thành của nó rất cao. Năm 2003, qua thăm hỏi các trạm khuyến nông, cơ quan báo đài… chị lặn lội ra tận Bình Thuận mua 60kg giống ốc hương mang về. Chị gia cố lại cái ao nuôi tôm sú bỏ hoang từ nhiều năm nay để thả nuôi.

Thật bất ngờ, khoảng 4 tháng sau, chị thu hoạch với sản lượng đạt gần 2 tạ ốc hương thương phẩm, thu về gần 40 triệu đồng. “Vạn sự khởi đầu nan”, từ mẻ ốc hương đầu thành công, năm 2004 chị tiếp tục thả với số lượng 250kg con giống, và khi thu hoạch cho năng suất trên 1 tấn ốc thương phẩm thu về trên 150 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tính ở Bình Khánh cũng là một dân vạn chài, rày đây mai đó khắp nơi trên biển. Tình cờ, sau một lần đánh bắt tận miền Trung và được một người bạn chài mời về nhà giới thiệu cho xem mô hình nuôi ốc hương bán công nghiệp tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thế là giữa năm 2003, anh lặn lội ra tận Khánh Hòa để mua về thả thử 30kg ốc hương giống. Trong lần nuôi đầu tiên này, anh thu hoạch được gần 1 tạ ốc thương phẩm, thu về gần 20 triệu đồng, trừ đi chi phí, lời được 9 triệu đồng. Anh tiếp tục thả đợt thứ hai và thu về lợi nhuận trên 50 triệu đồng.

Ốc hương khai thác tự nhiên và xuất khẩu từ nhiều năm nay, việc nuôi ốc hương thương phẩm dưới dạng bán công nghiệp như hiện nay để xuất khẩu có thể xem là bước đột phá của ngư dân. Qua bức xúc của người nuôi ốc hương, chúng ta có thể thấy rằng, để phát triển nghề nuôi ốc hương thành một nghề chiến lược, căn cơ lâu dài như nghề nuôi tôm sú đã thành công thời gian qua, đó là con giống.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, cho biết: “Hiện nay trung tâm đã nghiên cứu thành công trong việc lai giống ốc hương nhân tạo, nhu cầu đặt con giống của bà con ngư dân đến với trung tâm ngày càng đông. Nhưng ngặt nỗi là trung tâm chỉ là nơi nghiên cứu, nên không thể đáp ứng được những bức xúc này của người dân…”.

Chị Thanh Thúy người đã thành công trong việc nuôi ốc hương trong ao tôm sú cho biết: “Qua 2 vụ nuôi thử nghiệm, vợ chồng tôi rút ra kết luận, là nuôi ốc hương đơn giản về kỹ thuật, dễ quản lý chăm sóc, kết quả nuôi chắc chắn và có hệ số an toàn cao hơn gấp nhiều lần so với tôm sú. Tính lãi suất trên số vốn đầu tư, con ốc hương thu về ngang bằng với con tôm sú. Đây là một hướng đi đầy triển vọng cho ngư dân ven biển. Nhưng cái khó nhất hiện nay là con giống”. Thực tế cho thấy, để có một ao nuôi ốc hương khoảng 250 – 500kg, vợ chồng chị Thúy phải đi hàng tháng trời khắp các trại ốc giống ở miền trung như Bình Thuận, Cam Ranh, Long Hải, Nha Trang, Vạn Ninh… để mua về mới đủ nuôi.

Giấc mơ của những ngư dân về một ngày chinh phục được loài hải sản giá trị kinh tế cao đã và đang dần thành hiện thực ở Cần Giờ .

Nguồn tin: Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét