Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Trở Thành Tỷ Phú Từ 15k

Một thanh niên ở vùng quê nghèo từ những quả tắc "ối" rụng tưởng chừng bỏ đi và hơn chục nghìn đồng vốn mà sau bốn năm đã thành lập doanh nghiệp, xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Chuyện làm giàu của anh Lê Văn Sơn (xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) thật ấn tượng.

Nhiều đêm liền, chàng thanh niên miệt vườn Lê Văn Sơn (ấp Tân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cứ trằn trọc suy nghĩ về sự khởi nghiệp của một thằng con trai sức dài vai rộng. Nhà nghèo, ky cóp mãi, mấy anh chị mới dồn đủ tiền cho út Sơn đi học nghề điện từ. Giờ học xong lại ngồi không, ăn bám, coi sao đặng.

Thiếu vốn đã đành, nhà lại nằm sâu trong ngõ xóm, nhà nọ cách nhà kia hàng ha đất thì làm sao mở tiệm bây giờ? Phận con út trong một gia đình đến 12 người, hàng ngày Sơn phải chăm sóc hơn 1,6 ha vườn cây ăn trái, kiếm tiền nuôi người cha già. Mấy năm liền, ông trời như muốn trêu ngươi, tắc chín mà giá chỉ 200 đồng/kg, chưa đủ công hái lượm. Vậy mà có lúc cũng chẳng ai thèm mua. Ra vườn nhìn tắc chín rụng vàng cả gốc rồi nghĩ đến công chăm bón cực khổ, Sơn thấy thương nông dân quê mình.

Người trồng tắc chả lẽ cứ hoài bế tắc? Tình cờ anh nghĩ: tại sao chanh có thể muối để dành được mà tắc lại không. Thế là Sơn gom hết tắc lại thử làm tắc muối. Nhưng rồi tắc muối không "ăn khách", muốn uống phải dầm ra, thêm đường, đá vào tốn nhiều công đoạn. Muốn "thắng" phải "gia vị" chúng thôi: Sơn còn nhớ rõ lúc đó trong tay anh chỉ có 15.000 đồng, đủ mua chưa tới bốn ký rưỡi đường để nuôi ước mơ cứu cây tắc. Nghĩ là làm, Sơn đem tắc chín xắt mỏng rồi ướp đường, mật ong, phơi nắng từ 15 đến 20 ngày cho thấm nhằm tạo hương vị mằn mặn, chua chua, ngọt ngọt như xí muội. Sơn vừa làm vừa "tiếp thị" với bà con hàng xóm để mọi người dùng thử, góp ý. Cày công mãi đến một ngày bà con gật gù khen ngon anh mới dám tung ra thị trường.

Ngày 14 tháng 7 âm lịch năm 2000 đã trở thành cột mốc đánh dấu quãng đời kinh doanh của chàng thanh niên Lê Văn Sơn khi anh cuốc bộ dọc đường hành hương của khách tứ phương để bán sản phẩm đầu tay của mình. Sơn cười hiền khô: "Hồi đó em run quá, chọn ngay ngày rằm đi bán vì nghĩ ngày rằm ai cũng muốn tu nhơn tích đức, lỡ người ta ăn không quen chắc cũng chẳng nỡ chửi mắng mình!". Đúng như suy đoán của anh, khách không chửi, nhưng không dám mua vì sản phẩm quá lạ.

Để khách tin, anh vào quán nước năn nỉ mượn ly pha chế mời khách uống thử. Anh còn nhớ như in cái cảm giác chờ đợi khách nhận xét hôm ấy, thật... đau tim. Và rồi lần này, Sơn lại mất ngủ mấy đêm liền vì mừng khi được khách khen sản phẩm lạ miệng. Lần xuất quân đầu tiên ấy, Sơn thắng lớn với 50 hũ thu về 500.000 đồng - số tiền đầu tiên trong đời anh kiếm được.

Tìm được hướng đi mới cho cây tắc rồi, cái tên Sơn "tắc xí muội" cũng ra đời từ đó. Với số tiền thu được từ "chuyến buôn" đầu tiên, anh thu mua tắc của hàng xóm để tiếp tục làm. Anh lại mở rộng thị trường, lên thành phố tiếp thị. Phép thử lần này khó khăn hơn rất nhiều bởi khách thành phố khó tính nên việc "dụ" khách tiếp cận một mặt hàng quê mùa, lạ lẫm là điều không phải dễ.

Sơn kể có lần anh bị một chủ quán đuổi thẳng thừng vì thấy sản phẩm lạ, sợ bị ngộ độc. Dù rất tủi thân nhưng vốn mộc mạc chân chất, Sơn nghĩ: "Mình không làm gì sai thì không có gì sợ, chỉ tại khách chưa chịu thử thôi. Từ từ rồi mọi người sẽ chấp nhận hương vị tắc quê mình? Kiên trì với kiểu tiếp thị ấy, cộng với dáng vẻ thật thà và nụ cười hiền lành của Sơn đã mua được niềm tin ban đầu: khách hàng chịu thử, chịu công nhận là ngon. Và đến khi có người "nhớ" rồi hỏi thăm "xí muội tắc" của cái thằng nói giọng miền Tây thì Sơn hiểu mình đã mở được cánh cửa trong lòng người thành phố.

Từ khi Sơn thành công, mở rộng sản xuất thì "đầu ra" của trái tắc cũng '"rộng cửa". Mỗi kg tắc của nhà vườn Bến Tre được thu mua với giá hợp lý từ 1.500 đồng đến 1.800 đồng/kg. Anh còn giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Sáng tạo hơn, Sơn tự nghiên cứu chế chiếc máy cắt lát tắc chạy bằng điện. Với một chiếc mô-tơ và sợi dây cu-roa gắn liền dàn cắt tự chế mà chiếc máy đã hoạt động, không chỉ mang lại năng suất gấp 20 người xắt thủ công mà còn giúp người lao động không bị rộp tay vì axít chua của tắc. Cơ sở ăn nên làm ra, anh lập doanh nghiệp lấy tên Sơn Đăng - tên anh ghép với tên con với mong muốn con mình sau này sẽ nối nghiệp cha.

Từ mấy chục nghìn đồng đầu tiên làm vốn khởi nghiệp, đến nay cơ sở Sơn Đăng cung cấp cho thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh khoảng 2,5 tấn đến 3 tấn tắc xí muội/tháng, với giá 12.000 đồng/hũ/kg. Hiện tại, thực phẩm trái cây chế biến Sơn Đăng đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh và khắp các đại lý ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Không thỏa mãn với những gì đã làm được, anh tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm độc đáo như: đá me Thái-lan hạt mềm, cocktail trái cây, tắc chùm ruột, cốc... Anh tận dụng tất cả sản phẩm miệt vườn giải quyết đầu ra cho cây trái quê hương mình, đưa trái ngọt Bến Tre đi khắp nơi.

Từ một thanh niên nông thôn "ít chữ", Lê Văn Sơn trở thành nhà doanh nghiệp được vinh dự đón nhận bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre. Tháng 9/2004, sản phẩm tắc xí muội Sơn Đăng đoạt Huy chương vàng Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hội chợ triển lãm tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn sử dụng độc quyền nhãn hiệu hàng hóa.

Khi được hỏi lý do nào khiến Sơn trì chí cột chặt đời mình vào cây và đất quê nghèo, anh không nói gì mà lẳng lặng dẫn tôi ra mảnh vườn xanh mát sau nhà. Ở đó, tôi bắt được những tia mắt lấp lánh, thương yêu của anh khi nhìn từng vạt cỏ bờ mương, đọc được niềm vui giản dị, hiền lành trên gương mặt trẻ măng của chàng trai quê chưa đầy 30 tuổi khi mân mê từng chùm tắc chín vàng lựng. Và tôi hiểu hai chữ tình quê đã thấm đậm trong con người anh, khiến anh cảm nhận được và làm tất cả để trả lại vị ngọt cho cây trái quê nhà, ngay cả với cây tắc, loại trái cây có vị chua buốt răng...

Gia Dũng (Theo SGGP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét