Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Chuyện Về Chàng Trai Bén Duyên Với ... Tằm

Phạm Hùng Cường vốn là dân kỹ thuật điện, có thời gian dạy học tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 1980, cuộc sống gia đình anh hết sức khó khăn, đồng lương còm không đủ nuôi vợ và hai đứa con, có người bảo anh nên về lại Đức Trọng (nhà cha mẹ) nuôi tằm. Và cuộc đời anh bắt đầu rẽ sang một hướng khác...

“Chỉ cần nuôi một hộp trứng tằm là đủ nuôi sống gia đình tôi trong 3 tháng, tôi biết ơn con tằm và "bén duyên" luôn đến bây giờ", Cường kể lại. Năm 1990, Cường thành lập cơ sở Duy Khôi, chuyên cung cấp giống tằm cho bà con nông dân. Rồi anh được giới thiệu qua Đại học châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc) để tu nghiệp chuyên ngành tằm tơ. Năm 1994, ngành dâu tằm tơ “tuột dốc không phanh”, Cường và hai người bạn lại "ngang nhiên" vào thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thành lập Trại thực nghiệm dâu tằm tơ Tiên Phong.

Vạn sự khởi đầu nan, hết thử nghiệm giống dâu đến trứng tằm, trải qua nhiều phen thất bại có lúc tưởng chừng trắng tay... nhưng cuối cùng họ cũng chọn ra được giống dâu và giống tằm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Nam Ban.

Năm 2000, Tiên Phong được đổi tên thành Vi Tiên với 3 cơ sở ươm tằm giống cung cấp cho bà con nông dân. Để có dâu tốt và tằm đạt chất lượng, Phạm Hùng Cường vất vả như người mẹ nuôi con mọn, ngày ngày anh chạy ngược xuôi đến các cơ sở ươm giống, lái xe gắn máy vượt rừng hàng chục cây số để đến các cánh đồng dâu, hướng dẫn công nhân cách chăm sóc, phun thuốc để có lá dâu tốt, phù hợp với tằm tuổi 1 đến 3. Có người bảo làm giám đốc như thế thì cực quá, sao không thuê người cho khỏe? Cường đáp: “Muốn sống với cây dâu, con tằm phải có cái tâm, tôi cũng thuê kỹ sư đấy chứ, nhưng mình vẫn là người chủ đạo, trực tiếp làm các công việc".

Để ươm tằm giống, yếu tố trứng rất quan trọng, nhưng nếu gặp thời tiết không thuận lợi và thiếu kỹ thuật chăm sóc thì thất bại ngay. Khi mưa nhiều, độ ẩm cao phải đốt lò than sưởi ấm cho tằm; buổi sáng phải biết mở cửa sổ hướng nào để lấy gió, ánh sáng cho thích hợp; buổi chiều thì khép cửa bên nào để khỏi hại tằm v.v..., chỉ cần một sơ suất nhỏ là tằm trở bệnh, lúc ấy sẽ lỗi hẹn và mất uy tín với bà con.

Hiện nay, trung bình một tháng Vi Tiên cung cấp cho bà con nông dân từ 1.000 - 1.200 hộp trứng tằm tuổi 3, với giá 195.000 đ/hộp, bà con chỉ việc mang về nhà nuôi thêm 15 ngày là xuất kén. Để theo dõi và "bảo hành" sản phẩm tằm giống, Cường thiết lập một mạng lưới phân phối khoảng 30 người tại các thôn, xóm; đây cũng là những "cán bộ khuyến nông" cơ sở, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con khi cần; và cũng là người thu mua lại kén (theo giá thị trường) cho bà con. Với cách làm này bà con không cần bỏ vốn, chỉ đăng ký với nhóm trưởng, đúng ngày họ mang tằm giống đến tận nhà. Cần gạo thóc, mắm muối thì "phôn" một tiếng, có người mang tới ngay. Sau khi thu lại kén họ mới tính toán tiền bạc. Với cách làm này, Cường được bà con ủng hộ. Hiện nay có trên 700 hộ ở thị trấn Nam Ban, Đức Trọng liên kết làm ăn với Vi Tiên.

Để giúp bà con nắm vững kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, Cường bỏ tiền mở lớp, rước thầy từ Tổng công ty Dâu tằm tơ về hướng dẫn cho bà con, nhờ đó tay nghề bà con vững vàng hơn. Với bà con thôn 3, Cường còn bỏ vốn kéo điện về cho hơn 80 hộ dùng chung, chưa kể những công trình đường sá anh luôn kết hợp với chính quyền sở tại để nâng cấp sửa sang. Phạm Hùng Cường cho rằng: Để thành công trong nghề trồng dâu nuôi tằm, yếu tố con người rất quan trọng, dân có sống thì mình mới sống, mà tằm có sống thì dân mới sống" - một triết lý đơn giản như thế để luận giải cho cái chữ "tâm" mà vị giám đốc trẻ cứ lặp đi lặp lại khi nói đến nghề trồng dâu nuôi tằm.

Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét