Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Trang Trại ... Trầm Hương

Từ một thương binh gia cảnh khó khăn, anh Hoàng Minh Tư đã trở thành tỉ phú nhờ bàn tay lao động của mình. Chỉ tính hơn 8 năm nữa thì trang trại anh Tư đã thành trang trại trầm hương trị giá hàng chục tỷ đồng.

Một vợ, năm con, cấp bậc trung tá, anh thương binh 4/4 Hoàng Minh Tư người xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam- xin nghỉ mất sức ở tuổi 45. Quê hương anh dưới ngọn Hòn Tàu ác liệt bậc nhất thời binh lửa, nghèo khó nhất lúc hòa bình với những vết thương thời chiến tranh lúc trở trời lại trỗi dậy.. Đêm đêm, nằm gác tay lên trán nghĩ đến gánh nặng gia đình, anh thở dài. Bom đạn còn không thể khuất phục người lính, có lý gì bình yên rồi lại giơ tay đầu hàng nghèo khổ?

Từ giã đồng bằng

Năm 1993, hai vợ chồng anh quyết định để lại 5 đứa con dưới chân đèo rồi dắt nhau lên núi nhận rừng. Vùng Hòn Tàu – Đèo Le nơi trang trại của anh bấy giờ đầy lam sơn chướng khí. Anh chọn đất, vạt cây làm chòi ở lại nơi này làm rẫy. Chòi nằm cạnh một con suối nhỏ. Muỗi, vắt, rắn rết, cỏ hoang, thú dữ và nỗi buồn đua nhau thách thức sự kiên gan của người lính. “Hồi mới lên đây buồn lắm. Ban ngày đi làm xong, tối về nằm trong chòi nghe chim kêu vượn hú thật thê thảm. Mới đó mà đã hơn mười năm” – anh nhìn ra nương rẫy của mình nói mông lung.

Thương hiệu cải rừng

Đầu tiên, anh Tư làm cây ngắn ngày và nuôi gia súc. Lúa can gạo đỏ, đậu xanh, bắp, trâu bò, heo gà... Vợ chồng anh lên vùng núi này với hai bàn tay trắng nên phải kiếm cái ăn trước mắt. Họ làm quần quật ngày đêm. Ban ngày phát cây cối, đốt rẫy. Ban đêm ra suối câu cá, hái rau rừng cải thiện và canh giữ heo rừng về phá lúa. Anh nhớ lại: “Heo rừng về nhiều vô kể. Thứ này nó lì và hay... thù vặt lắm nên tôi khốn khó với nó suốt mấy vụ mùa. Hở ra một cái là hắn ủi sạch sành sanh. Săn bắn nó thì không được. Mình nhận đất rừng của Nhà nước chẳng lẽ lại đi phá rừng?”. Trời chẳng hại người tốt. Anh làm hàng trăm con bù nhìn, hệ thống dây chuông báo động... Lũ giặc heo phải lùi bước.

Từ 3 ha đầu tiên, nay trang trại của anh Hoàng Minh Tư đã lên 10 ha. Anh trồng cây lương thực ngắn ngày xen lẫn cây keo lá tràm, cây quế... Rừng núi cứ mở ra dần dần dưới bàn tay cần cù của người lính. Đại ngàn xanh ngắt thâm u nay bỗng đâm hoa kết quả tràn đầy sự sống. Sầu riêng Đại Bình, cam, hạnh nhân, quýt, nhãn, xoài, chuối, dừa, thơm... bốn mùa ra quả.

Đất Quế Sơn cằn cỗi nay có một thương hiệu mới: Cải anh Tư. Đó là thứ cải rừng được trồng trên đất dốc, lớn lên nhờ tro than, nước suối sạch sẽ. Loài cải cây bình thường được trồng trên đất này có một hương vị hết sức kỳ lạ không nơi nào có được. Cải ở trang trại anh Tư trồng suốt cả năm bất kể mùa nắng hay mùa mưa, sống nhờ nước suối và sương đêm. Các chợ đầu mối rau cung cấp cho cả vùng xưa phải lấy cải từ Hội An lên nay gần như anh độc quyền loại rau cải này trong chợ.

Anh Tư dẫn chúng tôi lên nương cải trên rừng và cười hồ hởi: “Nhờ cây cải này mà 3 đứa con lớn của tôi đi học xong đại học tận trong Sài Gòn suốt mấy năm nay, bây giờ công việc, gia đình đã ổn định”.

Con người chia sẻ

Hiện tại trang trại của anh có 35.000 cây keo lá tràm, 1.000 cây quế, cây ăn quả, cây lương thực, đàn bò mấy chục con, heo, gà... và mới đây nhất anh quyết định trồng một giống cây mới. Cây dó cho trầm. Phủ quanh trang trại của anh là 2.000 cây dó hơn 2 năm tuổi. “Tôi tin là thắng lợi. Cây dó sẽ hợp với đất này và cho trầm tốt”. Dù có trầm hay không có trầm thì cây dó vẫn có giá trị. Thời điểm hiện nay một cây dó khoảng 10 năm tuổi, không kết trầm, giá dao động từ 5 đến 7 triệu đồng. Nếu cây dó kết trầm thì giá gấp mười lần. Loại hàng cảnh làm từ dó xuất khẩu sang Đài Loan rất ăn khách. Chỉ tính hơn 8 năm nữa thì trang trại anh Tư đã thành trang trại trầm hương trị giá hàng chục tỉ đồng. “Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện bán lại trang trại này và ôm “một cục tiền” về xuôi hay không?”. “Không!”. Anh Tư khẳng định chắc nịch. Thấy địa thế rất đẹp, trang trại quy mô, nhiều người đến trả giá vài tỉ anh vẫn không bán. Anh không thuộc loại người khư khư ôm của. Anh vẫn cho những bạn bè trong hội cựu chiến binh của mình mượn tiền. Những trường hợp khó khăn anh giúp đỡ cây giống, con vật nuôi.

Bây giờ, đi ngang qua vùng rừng đèo Le, phía bên tay phải, mọi người nhìn lên đỉnh cao vời vợi sẽ thấy rừng anh Tư xanh ngát. Trang trại có thung lũng, suối khe, hữu tình. Kỷ niệm 10 năm ngày nhận đất, anh làm một cây cầu bắc qua suối và khắc bia ghi nhớ. “Cây cầu này sẽ dẫn vào trang trại trầm hương. Tôi muốn trở thành một trang trại trầm hương lớn nhất vùng này bởi không phải lợi ích rất lớn của nó đem lại mà ý nghĩa của loài cây này. Nó là cái tình của đất với người. Một người sinh ra lớn lên và sống chết với đất này”.

Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét