Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Tỷ Phú ... Ngao

Gặp nhiều thất bại trong làm ăn kinh tế, ngỡ như không bao giờ có thể ngóc đầu lên được nhưng Trần Ngọc Hoàng ở xóm 1 (Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn không hề nản chí.

Với quyết tâm đầy bản lĩnh anh đã thành công với mô hình nuôi ngao Bến Tre trên bãi biển Quỳnh Lưu, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Gian nan buổi ban đầu

Xuất ngũ, trở về địa phương năm 1998, chàng trai 28 tuổi Trần Ngọc Hoàng lấy vợ và được gia đình cho ra ở riêng. Những năm đó vùng duyên hải Quỳnh Lưu rộ lên phong trào buôn bán hàng “nội địa”, Hoàng vay vốn cùng với một số người trong xóm đi “đánh quả” từ Trung Quốc về nhưng mấy chuyến hàng khởi đầu đều bị “sập”. Hoàng trở về nhà với hai bàn tay trắng và một tâm trạng mệt mỏi, chán chường...

...Hoàng đi Thanh Hoá học nghề nuôi ngao. Trở về, anh thuyết phục một số gia đình anh em họ hàng phân tích về mô hình nuôi ngao và nguồn lợi sẽ thu được để họ cùng đầu tư, anh còn dẫn một số người đi Thanh Hoá để tham quan mô hình.

Hoàng đã thuyết phục được 12 hộ gia đình đồng ý cùng hợp tác. Tháng 1/2000, Hoàng đứng ra thuê 12 ha mặt nước bãi bồi bỏ hoang của xã Sơn Hải. Hoàng còn thuê người và huy động 12 hộ gia đình đóng cọc, giăng lưới, ngăn bờ bằng bao cát, sau đó thả ngao giống lấy ở Thanh Hoá về với tổng số tiền là 340.000.000 đồng. Ai cũng phấn khởi nhìn những con ngao đang phát triển từng ngày hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu, mọi người thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm.

Nhưng sắp đến ngày thu hoạch, đột nhiên ngao chết hàng loạt, 12 hộ gia đình bàng hoàng không tin đó là sự thực. Họ đã khóc khi tất cả vốn liếng và công lao chăm sóc cả một năm trời đều đổ xuống biển. Hoàng thì ngồi lỳ trên cát tay nắm lấy xác ngao thờ thẫn như người mất hồn suốt cả ngày lẫn đêm, chẳng thiết gì ăn uống.

Hoàng vò đầu mãi vẫn không tìm ra nguyên nhân, cuối cùng anh đành ra Hà Nội mời kỹ sư về trợ giúp. Khi đó mới vỡ nhẽ là giống ngao Thanh Hoá không phù hợp với môi trường, chất đất, nồng độ nước biển Quỳnh Lưu nên bị dịch bệnh mà chết. Lúc đó phần lớn các hộ gia đình đầu tư rất hoang mang, muốn bỏ cuộc. Hoàng lại đi từng nhà động viên kêu gọi đầu tư tiếp.

Lúc này ai cũng ngại, nhưng họ vẫn vay ngân hàng 270.000.000 đồng để lấy giống ngao ở Cần Thơ về thả. Nhưng lần này cũng như lần trước, nuôi được 6 tháng, ngao chết trắng bãi biển. Hoàng tâm sự: “Lúc đó tôi vục mặt xuống xác ngao mà khóc không nín được, khi ngoảnh lên thấy mấy anh em ôm nhau khóc. Tôi nghĩ đợt này thì đi đứt, không còn khả năng trả nợ Ngân hàng, tôi trở thành kẻ tội đồ với gia đình và 12 hộ đã hợp tác đầu tư. Đợt đó tôi ốm liệt giường hơn một tuần”.

Vùng dậy đi tiếp

Sau mấy “cũ ngã” liên tiếp tưởng chừng như Trần Ngọc Hoàng sẽ “chìm”. Nhưng không, anh lại vùng dậy cùng với chiếc ba lô thời quân ngũ lặn lội vào Bến Tre học hỏi nghề nuôi ngao dầu. Hoàng tìm đọc nhiều tài liệu, sách vở nói về phương pháp nuôi ngao và cách phòng chống dịch bệnh. Khi vốn kiến thức đã hòm hòm, Hoàng lại trở về quê hương.

Đợt này không còn ai hỗ trợ, chỉ còn người vợ kề cận hiểu nỗi lòng chồng. Chị luôn động viên khích lệ anh. Chị chạy ngược chạy xuôi để nhờ vay vốn. Rồi anh họ bán đất, bán nhà để lấy giống ngao ở Bến Tre về thả. Kết quả giống ngao du nhập từ Bến Tre đã phát triển tốt trên bờ biển Sơn Hải.

Trong năm 2003 Hoàng thu hoạch trên 600 tấn, thu lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. “Lúc đó tôi sướng lắm, sướng trong người không ngủ được. Khi vào vụ thu hoạch có ngày phải thuê từ 150 – 200 người. Nhìn từng xe ngao nối đuôi nhau ra vào, tôi như được sinh ra lần thứ hai”. Không những Trần Ngọc Hoàng được “khai sinh” mà 12 hộ gia đình cùng đầu tư 2 đợt trước cũng đã thực sự sống lại.

Trong năm 2003, Hoàng đăng ký thành lập doanh nghiệp với tên gọi Cty TNHH Hoàng Anh. Từ khi thành lập Hoàng Anh mở rộng thêm diện tích nuôi ngao lên tới 30 ha tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 công nhân có mức lương 600.000 – 1.000.000đ/ người/tháng.

Trần Ngọc Hoàng cho biết, hiện doanh nghiệp Hoàng Anh đã thả 10 tấn ngao giống (ngao cám), tổng số vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Cứ tính 1 kg ngao cám 8 – 9 vạn con, khoảng 12 – 16 tháng sau cho thu hoạch 20 – 30 con/kg ngao thịt, giá 1 kg bây giờ là 7.000 đồng.

Ngoài nuôi ngao thịt, Trần Ngọc Hoàng còn ươm được ngao giống bán cho các cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với giá 500.000đ/kg. Tuy mới ươm một thời gian ngắn, nhưng đã thu lãi hơn 200 triệu đồng. Trước đây xuất ngao theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng nay được một số Cty chế biến thức ăn thuỷ sản ở Hà Nội và TP.HCM về tận nơi thu mua.

Vừa qua, biết tỉnh có chủ trương kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trong tỉnh đề xuất đăng ký các thương hiệu, đề tài, dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, Trần Ngọc Hoàng đã gửi dự án “Nuôi ngao Bến Tre trên đất Quỳnh Lưu”. Dự án của anh đã được tỉnh Nghệ An ký quyết định phê duyệt. Đây là một thuận lợi lớn cho doanh nghiệp Hoàng Anh có điều kiện phát triển, tạo điều kiện nhân rộng nghề mới này cho bà con ngư dân có công ăn việc làm, có cơ hội làm giàu góp phần xoá đói, giảm nghèo, xoá bỏ nạn buôn lậu trên đất Quỳnh Lưu.

Gia Dũng (Nông thôn Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét