Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Tỷ Phú Măng Cụt Cầu Kè

Thời gian qua, trong khi nhiều loại trái cây mất giá khiến nhà vườn lao đao thì ở huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh có một nông dân trở thành tỷ phú nhờ thâm canh có hiệu quả 500 gốc măng cụt… Cách đây 6 năm tại Hội thi trái ngon ĐBSCL tổ chức ở tỉnh Tiền Giang, măng cụt huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) vượt qua mặt “anh hào” Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ… đoạt giải nhất đồng bằng. Một trong những người tiên phong có công đưa cây măng cụt Cầu Kè lên ngôi là ông Năm Nhành (Võ Văn Nhành) ở cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân.

Anh Tư Bé, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh, người nhiều năm gắn bó với vùng đất cù lao giàu tiềm năng hoa thơm trái ngọt này cho biết: 5 năm gần đây nhà vườn trồng chôm chôm, nhãn, sầu riêng, sabôchê... Cù lao Tân Qui trúng mùa, nhưng do giá cả đầu ra bấp bênh nên đời sống bà con lao đao, trong khi đó vườn măng cụt của gia đình ông Năm Nhành 5 năm liền trúng mùa trúng giá, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng.

Thừa hưởng nguồn lợi kinh tế cây măng cụt do ông Năm Nhành trồng cách đây hơn 30 năm, anh Lưu Văn Nhiều, người con rể đang quản lý chăm sóc 2,5 ha măng cụt kể: Trong một chuyến tham quan du lịch các tỉnh miền Tây, cha vợ tôi mang về 5 cây măng cụt trồng thử ở vườn nhà, sau hơn 10 năm trồng cây cho trái và từ đó gia đình nhân giống lên được 500 cây.

Hiện nay trong số này có hơn 250 gốc trên 25 năm tuổi đang thời kỳ sung sức, mỗi năm cho sản lượng trái hơn 14 tấn, chỉ tính bình quân giá bán từ 20-25 ngàn đồng /kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi gần 250 triệu đồng. Đặc biệt trong số cây ấy có 1 gốc trên 50 năm tuổi cho sản lượng trái 0,4 tấn/năm, tương đương hơn 8 triệu đồng.

Măng cụt càng nhiều năm tuổi cho sản lượng trái càng tăng. Hàng năm mỗi khi vào vụ thu họach, vườn măng cụt của gia đình anh Út Nhiều thu hút các nhà vựa, thương lái ở Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM, tìm đến tận nơi thu mua đóng kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Hiện nay các nhà vườn ở huyện Cầu Kè đã cải tạo các giống cây trồng hiệu quả thấp chuyển sang trồng chuyên canh và xen canh hơn 110 ha măng cụt. Anh Đào Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú Tân lạc quan: Sau nhiều năm lâm vào cảnh được mùa mất giá, giờ đây bà con nhà vườn quan tâm nhiều hơn việc chọn cây cho đất. Trước nhất là xem xét trồng cây gì, bán ở đâu, giá trị kinh tế ra sao rồi mới quyết định chọn gốc cây.

Theo định hướng phát triển kinh tế vườn ở địa phương, từ nay đến năm 2010, ngoài cây nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng cơm vàng hạt lép, sầu riêng Mongthong, cây măng cụt là mục tiêu phát triển lâu dài tạo ra giá trị hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu.

Hội làm vườn tỉnh và ngành nông nghiệp huyện đang xúc tiến hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống chất lượng cao cho bà con mở rộng diện tích thâm canh. Hội nông dân vận động khuyến khích nhà vườn liên kết xây dựng hợp tác xã măng cụt để sớm hình thành thương hiệu sản phẩm, đưa cây măng cụt địa phương vươn xa hơn thị trường trong và ngoài nước.

Trước xu hướng cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập, để không thua ngay trên sân nhà, hơn lúc nào hết, nhà vườn cần có cách nhìn mới, tư duy mới trong việc chọn giống cây trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chất lượng sản phẩm sạch là yếu tố sống còn thời kinh tế mở.

ĐÌNH CẢNH - SGGP

0 nhận xét:

Đăng nhận xét