Ngôi Sao May Mắn

Hạnh phúc và bình an trong chúa.

Tấm Gương Sáng

May Mắn, hạnh phúc, vui vẻ, bình an, niềm tin và hy vọng.

Mẹo Vặt Cuộc Sống

Tiết kiệm thời gian và rắc rối nè.

Sản Phẩm

Sản phẩm thiết thực là sản phẩm mọi người muốn và cần.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

AAAAA

BBBBBBBBBBBBBBBBBBBBB

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Người Đàn Bà " Hủi " Thành Tỷ Phú

Chuyện ấy bây giờ
Người đàn bà “hủi” thành tỉ phú
TT - Chúng tôi trở lại Thái Bình vào một ngày mưa rét. Tìm ra được nhà của “nhân vật” thì trời cũng vừa sập tối.
Những hình ảnh về chị trong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy được công chúng biết đến cách nay gần 30 năm, ngày đó chị Trần Thị Hằng mới 40 tuổi.
Và chị Hằng tỉ phú bây giờ - Ảnh: Ngọc Quang
Bây giờ trước mắt chúng tôi, ở tuổi gần 70 đã là “bà Hằng” nhưng ánh mắt, giọng nói, tiếng cười vẫn là của “chị Hằng” chan chứa nghị lực.
Thật tình cho đến giờ chúng tôi vẫn không hiểu chị lấy đâu ra ngần ấy sức mạnh để đi qua muôn nỗi trầm luân cay đắng của đời mình và trở thành một tỉ phú như hôm nay, ngồi ung dung nhai trầu trong căn biệt thự đẹp vào hàng nhất thành phố Thái Bình này...
Chúng tôi ấn chuông nhà chị, sau khoảng sân rộng là ngôi biệt thự bề thế sáng đèn. Cùng lúc chiếc ôtô đang lăn bánh từ sân ra. Sau vôlăng là một chàng trai tuấn tú.
“Các chú tìm mẹ cháu ạ? Mẹ cháu có nhà đấy, cháu xin phép đi có việc một chút”. À, thì ra đây là Tú Anh, đứa con trai mà trong bộ phim năm xưa là một đứa bé được gọi là Chiền, cậu đang ngồi chơi với bà ngoại, giọng bà ngoại trầm trầm: “Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà Nội quá! Mình thì người nhà quê - bố cháu là Chiện, bà gọi cháu là Chiền. Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng mẹ nó là người hủi”.
Giờ đây “thằng bé Chiền” đang là giám đốc một công ty kinh doanh có tiếng ở Thái Bình. Đã có vợ và hai con. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài.
Vừa châm ấm chè xanh nghi ngút khói, chị Hằng vừa cười cười: “Cứ như là giấc mơ các cậu nhỉ?”. “Còn hơn cả giấc mơ chứ chị”. “Không, giấc mơ của chị vẫn còn đấy. Những viên gạch chị đóng suốt đêm với đôi bàn tay cụt ngón mà anh Thủy quay từ 30 năm trước là để xây ngôi nhà kia, nay chị vẫn để đấy lưu niệm chứ không phải là ngôi biệt thự này”.
Rồi chị quày quả dẫn chúng tôi ra góc vườn. Ngôi nhà hai tầng xây từ dạo đó vẫn còn đứng đó như chứng tích của một thời. Gió bấc vẫn lùa lạnh buốt. Chị Hằng sờ lên từng góc tường của ngôi nhà cũ và ký ức hiện về cũng tê buốt như giá rét!
Đứa con bị thế chấp và ông lão chài lưới...
"Cả thôn cả xã bảo chị bị hủi! Đứa con trai bé bỏng cũng bị bạn bè ruồng lánh vì mẹ nó là một người hủi. Xã cho dân quân đến bắt chị giải lên... bệnh viện phong. Ở đó, vị bác sĩ già khám cho chị nói rằng chị không phải bị hủi mà bị chứng viêm tắc động mạch ngoại vi dẫn đến hoại tử"
Chúng tôi biết rất khó để kể lại cả cuộc đời của chị qua một trang báo nhỏ. Năm 1967, vừa tốt nghiệp trường tài chính kế toán, chị xung phong vào chiến trường.
Ba năm sau, năm 1970, sau những cơn sốt rét hành hạ suýt chết, chị trở ra miền Bắc, làm ở Cục Thu bội chính (thuộc Bộ Tài chính).
Năm 1972, bị sức ép của một trận bom Mỹ ném xuống khi đang ở Hoài Đức (Hà Tây cũ), chị bị mất sức và về quê chồng ở Bắc Ninh sinh sống.
Cuộc sống cơ cực đến nỗi Tú Anh, con trai duy nhất của chị, phải gửi về Thái Bình sống với bà ngoại. Rồi người chồng cũng phụ bạc, theo người đàn bà khác.
Chị tìm về Thái Bình với mẹ và con trai bé bỏng. Ngần ấy đau đớn với một người đàn bà ngỡ là quá đủ! Nhưng không! Căn bệnh mới hành hạ chị với những ngón tay bị sưng lên nhức buốt không thể cử động được.
Từ quê chồng về với quê mẹ, không hộ khẩu, không giấy tờ, có bệnh cũng không biết khám chữa ở đâu, và cứ thế khi ngón tay sưng lên, nhức không chịu nổi, chị nung đỏ con dao sắt gí vào phần xương thịt bị lở loét kia rồi bôi bồ hóng vào để... sát trùng!
Từng ngón tay bị chính chị cắt cụt như vậy. Cả thôn, cả xã bảo chị bị hủi! Con trai bé bỏng cũng bị bạn bè ruồng lánh vì mẹ nó là một người hủi.
Xã cho dân quân đến bắt chị giải lên... bệnh viện phong. Ở đó, vị bác sĩ già khám cho chị nói rằng chị không phải bị hủi mà bị chứng viêm tắc động mạch ngoại vi dẫn đến hoại tử. Nhưng ai có thể hiểu được bệnh tình của chị? Chỉ nhìn vào bàn tay không còn ngón, lở loét của chị là người làng lánh xa, bảo chị là “con hủi”.
Chị mang con trai lên Nam Định cho con tránh tiếng là con của bà mẹ hủi. Ngày ngày, chị đặt Tú Anh vào đôi quang gánh, mang Tú Anh ra chợ để “thế chấp” với chủ hàng.
Chị bảo: “Cháu không có vốn, cháu để con trai cháu ngồi ở đây rồi lấy chịu hàng hóa rau dưa mang đi bán, bán xong cháu sẽ trả đủ tiền và chuộc con về”.
Tội nghiệp Tú Anh, cứ ngày ngày được “thế chấp” như thế, ngồi ngoan ngoãn ở góc quán đợi mẹ bán xong về “chuộc” con.
Có chút vốn, không phải mang con đi “thế chấp” nữa, chị cho Tú Anh đi học. Và với chút vốn liếng dành dụm sau khi mang con rời khỏi quê để tránh tiếng hủi, chị về lại Thái Bình, mua được một khoảnh ao làm “tấc đất cắm dùi”.
Góc ao, chị dựng túp lều tựa vào mấy bụi chuối. Nhưng cuộc sống cùng cực ấy khiến chị tuyệt vọng. Viết mấy chữ gửi lại cho mẹ: “Con chết rồi, mẹ gửi Tú Anh vào trại mồ côi”.
Chị ra sông Thái Hạc tự vẫn. Nhưng một ông lão làm nghề chài lưới trên sông đã cứu chị. Vớt chị lên, ông cho chị 1.000 đồng (thời giá bấy giờ tương đương 1 tạ gạo), bảo chị: “Sống mới khó, chết thì dễ”.
Thoát chết lần ấy, chị nghĩ rồi mình cũng sẽ chết vì bệnh tật. Nhưng trước khi chết cố xây cho con một cái nhà. Vậy là từ đó ngày ngày sau giờ chạy chợ chị móc đất, gánh thêm đất ruộng về tấp vào góc ao. Đêm xuống chị tự mình đóng gạch.
Hàng vạn viên gạch cho ngôi nhà mơ ước ấy đã được kể trong phim Chuyện tử tế. Nhưng không chỉ có thế. Khi những viên gạch của ngôi nhà định xây cho con được hình thành thì khát vọng sống với chị càng mãnh liệt hơn.
Chị Hằng với hình ảnh âm bản trong phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy - Ảnh: L.Đ.Dục chụp lại
“Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời...”
Cái ao nhỏ đó chị thả cá, làm chuồng nuôi lợn, bán cá bán lợn chị có tiền cất vàng, mua đất. Vốn đã học qua ngành tài chính, lại nhờ duyên may qua nhiều thương vụ buôn bán, không ai nghĩ người đàn bà hủi mang con thế chấp lấy từng mớ rau đi bán dạo ấy có ngày có trong tay mấy chục cây vàng.
Ngôi nhà hai tầng của chị cất lên vào đầu những năm 1990 khiến cả xã Hoàng Diệu, thị xã Thái Bình ngày ấy ngỡ ngàng. Tú Anh lúc này đã thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Năm thứ hai đại học, Tú Anh bị bệnh thiếu oxy não. Vậy là chị lại bỏ hết tất cả đưa con đi chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Dường như ông trời cũng muốn thử thách xem nghị lực của chị đến đâu nhưng với chị Hằng, nghị lực là không giới hạn.
Mấy năm trước, Tú Anh đã trưởng thành, lấy vợ sinh con, lập công ty. Chị Hằng quyết định dựng một ngôi biệt thự to nhất vùng, dường như ngầm ý của chị muốn có một “dấu mốc” để bù đắp cho những năm tháng đã sống trong tủi nhục đắng cay.
Trên vuông ao năm nào, ngôi biệt thự của hai mẹ con chị mọc lên, có hồ bơi, ao cá, cây cảnh sum vầy. Nhưng ngôi nhà cũ góc vườn được xây bằng những viên gạch chị từng thức thâu đêm trong rét buốt để đóng nay chị cũng vẫn giữ gìn nguyên vẹn để nhắc nhớ con mình.
Đưa chúng tôi tờ báo có bài viết về con trai, doanh nhân Nguyễn Tú Anh, giám đốc Công ty TNHH phòng chống mối - khử trùng Thái Bình, chị Hằng nói: Hạnh phúc lớn nhất của chị không phải ở ngôi biệt thự to đẹp hay những bất động sản của chìm của nổi đang có, mà chính là sự trưởng thành của cậu bé Chiền năm nào. Và vì đã trải qua những năm tháng tận cùng khổ cực, nên giờ đây chị Hằng dù sống trong biệt thự sang trọng, xe cộ đề huề thì chị vẫn giữ lại mấy sào ruộng để làm, vẫn băm bèo thái rau nuôi cá nuôi lợn. Và một điều nữa, khi ngồi cùng chị nhắc lại những thước phim trong Chuyện tử tế, chị hỏi: “Các em có nhớ câu nói mở đầu và kết thúc bộ phim không?”.
Tất nhiên là chúng tôi nhớ, bởi trước khi về gặp lại chị, chúng tôi vừa lên YouTube coi lại bộ phim một lần nữa. Câu nói mà chị Hằng nhắc ấy là của Karl Marx: “Tất nhiên chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau khổ của con người và chăm lo riêng cho bộ da của mình...”.
Và vì thế từ nhiều năm nay, chị đã dành một phần lớn tài sản của mình để cưu mang những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời mà nhìn vào đó chị Hằng thấy lại hình ảnh ngày xưa của hai mẹ con mình.
Những thước phim âm bản
Những năm cuối thập niên 1980, bộ phim Chuyện tử tế thật sự là một “cơn địa chấn” trong làn sóng đổi mới.
Quá nhiều điều để nhớ, nhiều triết lý để suy ngẫm trong phim, nhưng ấn tượng nhất với tôi là trường đoạn về một phụ nữ bị hủi ở Thái Bình, đêm đêm ngồi đóng hàng vạn viên gạch với giấc mơ xây cho con trai bé bỏng một ngôi nhà tử tế.
Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu bên bờ ao, chị nhồi đất, ra khuôn, những viên gạch chưa nung cứ xếp thành hàng thành lối, và ống kính cận cảnh những ngón tay của chị bị cắt cụt tận mu bàn tay, sần sùi, cụt từng đốt...
Đoạn phim được xử lý âm bản (négatif) và trên khung hình ấy, những lời bình vang lên nhức nhối: “...chị Hằng phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền bát gạo, đêm đêm chị lần mò mang về cho con. Nỗi đau thể xác và nhất là sự sỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định: phải tự vẫn!
Nhưng còn thằng Chiền (con trai chị)? Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời. Vậy là đêm đêm chị lần về, bằng hai bàn tay cùi cụt co quắp không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch. Hỡi những người lành mạnh và tử tế! Một vạn tám ngàn viên gạch - Đêm, lạnh buốt và đau đớn...”.
Và trong bộ phim nổi tiếng thế giới ấy, câu chuyện về người đàn bà hủi nhấn mạnh đến “sự tử tế” của một số phận nghiệt ngã mà không hề biết rồi cuộc đời của chị sau đó sẽ ra sao.
Và mười năm sau đó, năm 1996, câu chuyện về chị Hằng “hủi” được kể lại trên báo Tuổi Trẻ khi hai nhà báo Lê Thọ Bình và Huỳnh Thanh Diệu tìm về gặp chị.
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

Cô Bé Ô Sin Trở Thành Du Học Sinh Xuất Sắc

Làm nghề giúp việc, sống dưới gầm cầu thang nhiều năm, song Đặng Thị Hương đã giành được học bổng và trở thành du học sinh xuất sắc tại Australia.


Căn nhà cấp bốn của gia đình bà Nguyễn Thị Trọng (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thời gian này luôn tràn ngập tiếng cười. Cô con gái 28 tuổi Đặng Thị Hương mang về nhà nhiều giải thưởng sau 2 năm du học Australia.
Tháng 11 năm ngoái, Hương được trao bằng khen Sinh viên quốc tế xuất sắc năm của bang Victoria và Sinh viên quốc tế xuất sắc 2013 do Thủ hiến bang Victoria, Denis Napthine, trao tặng. Cô là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận cùng lúc hai giải thưởng danh giá này. Ngoài ra, Đặng Thị Hương còn là Đại sứ sinh viên quốc tế của Học viện Box Hill 2013.
"Biết tin con đạt thành tích tốt bên Australia, tôi mừng không ngủ được. Nghĩ lại trước kia con vì kiếm tiền giúp mẹ nuôi anh trai, em gái ăn học mà phải một mình lên Hà Nội làm ôsin, sống lang thang thấy thương", bà Trọng tâm sự. Ở tuổi 62, tóc của bà đã bạc, khuôn mặt sạm nhăn vì nắng gió, nhọc nhằn.
Đặng Thị Hương, nữ sinh Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận đúp hai giải thưởng Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria, Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013 do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng. Ảnh: NVCC.
Hương là con vợ lẽ, mẹ sinh cô trong góc ngôi nhà vách đất mà bà vay mượn mãi mới dựng được. Cứ tới ngày mưa, bốn mẹ con Hương lại ôm nhau chui dưới gầm bàn để tránh nếu không may tường bị sập. Nhà chỉ có mẹ, anh trai và em gái hay đau yếu nên từ bé Hương đã phải làm việc đồng áng. Nuôi ước mơ thành giáo viên, nhưng hết lớp 7 cô gạt nước mắt nghỉ học vì cái đói đeo bám gia đình. 13 tuổi, Hương một mình lên Hà Nội làm ôsin. Khi đó, cô cao 1,3 m, nặng 27 kg, lòng đầy sợ sệt vì chưa một lần rời lũy tre làng.
Công việc đầu tiên của Hương trên thành phố là trông em bé 4 tháng tuổi và làm một số việc nhà. Quần quật từ sáng đến đêm, với mức lương vỏn vẹn 150.000 đồng, nhưng cô vẫn bị nhà chủ khó tính quát mắng. "Sống với người giàu có quả thật rất căng thẳng. Tôi luôn phải nỗ lực mỗi ngày để làm họ vừa lòng. Có chủ nhà xấu tính hay quát mắng khiến tôi tự ti. Mỗi lần chuyển việc tới một gia đình mới, tôi mệt mỏi vì không biết ngày mai mình sẽ ra sao", Hương tâm sự.
Bao đêm khóc vì thương thân, nhưng chưa một lần Hương than trách gia đình. Với cô, việc có một mái ấm cùng mẹ, anh, em đã là niềm hạnh phúc to lớn, hơn những em bé mồ côi khác. Bao vất vả, nhọc nhằn của mẹ cùng quyết tâm giúp anh em được học hành khiến Hương không ngừng cố gắng. Chưa một lần Hương động đến tiền công giúp việc mà gửi tất cả về để mẹ trang trải sinh hoạt, đóng học phí cho anh trai, em gái.
Lần đầu được cầm 200.000 đồng về quê, Hương thấy như được mang theo cả gia tài. Lúc nào cô cũng nơm nớp lo mất tiền. "Một bác hỏi tôi quê quán ở đâu, sao say xe mà đi một mình, tôi vội trả lời: 'Cháu là sinh viên học ở Hà Nội, hết tiền nên về quê xin bố mẹ'. Với câu nói đó, tôi hy vọng người khác nghĩ cái túi dưới gầm ghế của tôi không có tiền", Hương cười khi nhớ lại.
Sau 4 năm làm giúp việc, Hương may mắn được một người quen xin cho học tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Cô hạnh phúc tột cùng vì giấc mơ đến trường có cơ hội được thực hiện. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, niềm vui ấy mất dần, nhà chủ đuổi cô đi vì thức khuya, dành thời gian làm bài. Không họ hàng, người quen, Hương tìm đến gầm cầu thang khu tập thể cũ sống, ngày đi bán hàng rong, tối đi học bổ túc.
"Gần 2 năm ở gầm cầu thang là khoảng thời gian tồi tệ với tôi. Tôi phải tiếp xúc với đủ thành phần xã hội, từ cửu vạn, nghiện ngập, trộm cắp... 2h sáng tôi thức dậy thổi xôi đi bán, chiều bán bánh ngô, tối học bổ túc xong lại bán hàng tới 24h đêm. Một số người luôn muốn đuổi tôi đi để chiếm chỗ. Họ mắng chửi, dọa nạt, thậm chí đổ rác lên chỗ tôi ngồi. Mỗi ngày tôi đều sợ bị xua đuổi, sợ thanh niên trêu trọc, sợ phải ăn mì tôm cân", vén mái tóc để lộ gò má xương gầy, Hương trầm tư nói.
Đầu năm 2006, Hương trở thành học viên của một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố. Đây là bước ngoặt lớn thay đổi cuộc đời của Hương và gia đình cô. Sau đó, Hương được nhận vào làm nhân viên phục vụ, thu ngân ở một khách sạn lớn tại Hà Nội. Khi đã có công việc và mức lương tốt, Hương bất ngờ xin nghỉ để sang Australia theo học bổng toàn phần chương trình Quản trị Kinh doanh tại Học viện Box Hill.
Hương đã trải qua 14 năm nỗ lực kể từ khi lên Hà Nội làm ôsin tới lúc cầm trên tay các bằng khen. Cô tự hào vì đã sinh ra trong nghèo đói để có nhiều trải nghiệm và học được hai chữ chia sẻ. Ảnh: NVCC.
Không còn làm việc cùng nhau nhưng đồng nghiệp cũ vẫn dành lời tốt đẹp khi nói về Hương. Anh Nguyễn Quốc Đông, người phụ trách cũ của Hương ở khách sạn tại Hà Nội, chia sẻ: "Chúng tôi rất tiếc vì quyết định xin nghỉ để du học của Hương. Với khả năng giao tiếp khéo léo cùng vốn tiếng Anh tốt, Hương được nhiều khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài, quý mến".
Thông tin Hương được trao nhiều danh hiệu sinh viên xuất sắc tại nước ngoài không khiến anh Đông bất ngờ. Theo anh Đông, nếu Hương không đạt xuất sắc mới là chuyện lạ bởi cô quá chăm chỉ và có tài. "Thành tích Hương đạt được là phần thưởng xứng đáng cho bao năm tháng khổ cực nhưng nhiều nỗ lực của cô", anh Đông nói.
Quỳnh Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Không chỉ là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, chị còn là Tiến sỹ Viện Hàn lâm khoa học Nga, thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga nhưng ít ai biết rằng chị xuất thân từ một gia đình nghèo hiếu học.



 Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Nguyễn Thị Thanh Nhàn

“Ẵm” hàng chục giải thưởng lớn

Gặp chị Nhàn, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ này, hàng chục năm qua đã có nhiều dự án kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực “khó nhằn” như xuất khẩu lao động, môi trường, y tế, giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ… Chị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải Sao đỏ, Giải Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng thương hiệu xuất sắc quốc gia…

Mỗi lĩnh vực kinh doanh, chị đều có những ý tưởng mới đem lại ý nghĩa lớn cho xã hội. Cụ thể, về lĩnh vực xuất khẩu lao động, chị Nhàn là người đã đưa ra ý tưởng để đề xuất các chương trình hỗ trợ sinh viên, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đưa các chương trình tuyển dụng về tận các địa phương, trường học, hỗ trợ người nghèo về vốn và trang bị các kiến thức cần thiết để họ có thể sang nước ngoài làm việc tốt. Với lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm trước đây khi người Việt Nam chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, chị đã kiên trì cùng với các đối tác nước ngoài đến từng địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo nói về các tác hại của việc ô nhiễm môi trường, các bài học kinh nghiệm của các nước phát triển về vấn đề môi trường và tư vấn các giải pháp để bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Chị đã đưa các công nghệ tiên tiến của thế giới vào xử lý môi trường tại Việt Nam và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực gai góc này các dự án lớn theo hình thức BT, BOT.

Đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, AIC là doanh nghiệp đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai các chương trình đồng bộ như: Đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên tại nước ngoài, cung cấp các trang thiết bị tiên tiến để giảng dạy, các phần mềm giảng dạy cũng như đưa các giáo viên nước ngoài vào Việt Nam để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường học tại Việt Nam.

Để thành công trên lĩnh vực nào đó, đều đòi hỏi người đó phải có sự đam mê và cống hiến hết mình. Đối với nữ thì công việc này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết nhất là lĩnh vực kinh doanh đầy “cạm bẫy”.

“Tôi cho rằng làm công việc gì cũng vậy muốn làm tốt thì đều khó khăn và vất vả chứ không riêng gì các hoạt động mà chúng tôi đang làm. Tuy nhiên nếu các hoạt động kinh doanh mà lại có ý nghĩa xã hội thì tôi thấy rất nên làm. Các hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều là những vấn đề nóng mà xã hội chúng ta cần giải quyết ngay” - chị Nhàn cho hay.

Chia sẻ về thành công mà công ty đã đạt được, chị Nhàn khiêm tốn cho biết: “Những thành công mà chúng tôi có được chỉ là bước khởi đầu mà thôi, tôi và anh em trong công ty cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể làm tốt những việc chúng tôi cần làm và muốn làm. Để có thể làm được một công việc tốt, điều quan trong mà tôi nhận thấy đó là phải có phương pháp tốt, tổ chức bài bản, khoa học, phát huy sức mạnh tổng thể, tiến hành các giải pháp đồng bộ, không ngừng học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến và Việt nam, của những người xung quanh, có quyết tâm cao và có tâm trong công việc”.


Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn dự lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn

Ý chí của một cô gái nghèo hiếu học   Có lẽ truyền thống gia đình hiếu học đã hun đúc lên con người chị. Niềm đam mê học tập đã đưa chị từ một cô gái nghèo vùng quê Bắc Ninh trở thành một doanh nhân thành đạt với 2 bằng đại học, Thạc sỹ tốt nghiệp tại trường Latrobe của Úc. Nhưng ít ai biết rằng, chị đã có học hàm Tiến sỹ, Viện Hàn lâm khoa học Nga và sử dụng thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga.

“Tôi không có hậu thuẫn từ gia đình, bạn bè hay bất cứ cơ hội tốt nào từ bước khởi nghiệp của mình, tôi tự biết điều đó và vì vậy mà tôi luôn phải tự cố gắng, cũng có lẽ chính vì điều đó mà tôi có ý chí cao trong công việc của mình là phải vượt qua mọi khó khăn. Đến bây giờ, khi xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước luôn động viên hỗ trợ tôi trong công việc nhưng tôi luôn biết điều quan trọng nhất để thành công đó phải chính là ý chí của bản thân mình và luôn phải vượt qua được chính mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi cần phải cố gắng và luôn cố gắng” - chị Nhàn tâm sự.

Hoạt động kinh doanh, đôi khi không thể tránh khỏi sự thất bại. Những thất bại đó chính là bài học kinh nghiệm cho người đam mê ngành mình theo đuổi. Chị Nhàn luôn ghi nhớ những thất bại của mình: “Đó là những bài học lớn giúp cho tôi nhìn lại mình để có thể thành công hơn trong công việc. Thất bại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là việc sử dụng con người trong công việc”.

Chưa bao giờ hài lòng với chính mình

Thông thường những doanh nhân thành đạt luôn bị công việc cuốn đi, ít có thời gian trau dồi kiến thức trong sách vở. Nhưng với chị Nhàn, đam mê kinh doanh, đam mê học tập luôn thường trực. Chị  Nhàn tâm sự: “Việc học tập để nâng cao kiến thức đối với tôi cũng là một công việc hết sức quan trọng. Các kiến thức mà tôi có được đều giúp cho tôi có thể triển khai điều hành các hoạt động của tôi tốt hơn. Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh có thể cố gắng thu xếp được tôi đều thu xếp để dành thời gian học tập. Bởi rất nhiều điều tôi muốn học hỏi mà tôi chưa có thời gian và cơ hội để học”.


   Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa học Dorokhov Igor N.- Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga ký kết đào tạo.     Ngoài việc đưa ý tưởng vàotổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp cho doanh nghiệp liên tục phát triển trong nhiều năm qua, chị Nhàn luôn quan tâm đến vấn đề con người. Hiện Công ty AIC có đội ngũ cán bộ trẻ hàng ngàn người được đào tạo bài bản, khoa học. Năm 2011,trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có tiền trả lương cho nhân viên nhưng Công ty AIC vẫn tăng trưởng 183% và lương của các cán bộ trong công ty đều được tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2010.

Song hành cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty AIC cũng luôn có các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ các địa phương bằng các hoạt động có ý nghĩa lớn như đưa các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án lớn hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương và nhiều hỗ trợ có ý nghĩa khác với giá trị nhiều tỷ đồng mỗi năm. Hiện Công ty AIC có gần 20 công ty thành viên và có quan hệ hợp tác kinh doanh với hơn 30 nước trên thế giới và có hoạt động trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.

Trong buổi ký kết giữa Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga (MASI) về đào tạo hợp tác trong các lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Đào tạo nhân lực cho Việt Nam, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa họcDorokhov Igor N. Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga nhận xét về chị Nhàn: “Đây là người phụ nữ thông minh, làm việc có trách nhiệm cộng đồng. Chính vì điều đó Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thực hiện hỗ trợ cho Việt Nam các chương trình đào tạo cán bộ tại Nga và đưa các chuyên gia sang Việt Nam đào tạo nhân lực Việt Nam thông qua bên Công ty AIC”.

Được Chính phủ ghi nhận những công lao đóng góp nhưng chị vẫn chưa bằng lòng với bản thân mình. Chị cho rằng: “Cuộc sống ai cũng đều có ước vọng và mong muốn. Nếu như điều tôi tham lam mà có thể làm cho tôi tốt hơn, có thể giúp ích được cho xã hội, cho những người thân yêu và bạn bè của tôi thì tôi thấy đó không phải là điều xấu. Tôi chưa bao giờ hài lòng với chính mình cả, đó chính là động lực để tôi phải phấn đấu trong cuộc sống”.

Hồng HạnhJenifer.in.love

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Helen Phương: Cô Chủ Trẻ Của Hoa Gấu Bông

Với những chú gấu bông nhỏ xinh, trong một thời gian ngắn, Helen Phương đã phát triển thành chuỗi cửa hàng thương hiệu Hoa gấu bông Teddy với hệ thống đại lý rộng khắp trên cả nước.

Mẹ Phương sửng sốt khi biết Phương quyết định nghỉ việc trợ lý giám đốc marketing cho một công ty lớn để chuyên tâm phát triển Hoa gấu bông Teddy. Tuy nhiên, với cá tính của cô gái sinh cung Thiên Bình, mỗi khi quyết định việc gì thì Helen Phương sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu, bất chấp khó khăn.

Khởi đầu từ đam mê

Ý tưởng tạo ra những bó hoa xinh xắn đã được nhen nhóm trong một lần Phương đi du lịch tại Malaysia. Khi dạo qua các khu chợ đêm, cô bị mê mẩn bởi vẻ đẹp và lãng mạn của những cánh hoa hồng giấy bao quanh những chú gấu bông xinh xắn dễ thương. Nhận thấy đây là ý tưởng độc đáo và mới, Phương quyết định mang dòng sản phẩm này về phát triển tại Việt Nam.

Sau chuyến đi ấy, cô dành những buổi tối để cặm cụi kết những bó hoa bằng thú và gấu bông. Ban đầu, Phương kết theo những mẫu cô mua về từ nước ngoài, nhưng sau đó cô nhanh chóng nhận ra các sản phẩm này thiếu độ bền và chắc chắn cũng như chưa đủ độ tinh tế. “Sản phẩm chưa đủ thuyết phục để tạo nên trào lưu”, Phương tự nhủ.

Với ưu thế tốt nghiệp ngành thiết kế đồ hoạ, sau 3 tháng tìm tòi và nghiên cứu tốn nhiều công sức và tâm huyết, những cải tiến của Phương đã mang lại hiệu quả hơn mong đợi.

Sản phẩm đầu tiên Helen Phương giới thiệu đến bạn bè là một bó hoa gồm 21 chú gấu nhỏ được kết cùng lông vũ bên ngoài bằng ren, khiến bạn bè trầm trồ ngạc nhiên và đặt hàng.

Sau đó, Phương thử đăng sản phẩm trên các trang rao vặt. Sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Đơn đặt hàng với số lượng tăng liên tục. Sáng cô làm nhân viên văn phòng, chiều tối về nhà bó hoa. Nhiều hôm không làm kịp đơn hàng cho khách, Phương phải thức đến 3-4h sáng.

Phương quyết định nghỉ việc tại công ty. Cửa hàng đầu tiên tại địa chỉ 216 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM mang theo nhiều tâm huyết và quyết tâm của cô chủ trẻ, xây dựng một thương hiệu quà tặng Việt mới lạ và độc đáo. “Không hiểu sao lúc đó tôi lại có quyết định táo bạo đến như vậy”, Phương tâm sự.

Cửa hàng Hoa gấu bông Teddy tại Nha Trang Center.

Muốn làm người dẫn đầu, phải định hướng thị trường

Helen Phương bật mí: “Thần tượng của tôi là Steve Jobs, và tôi học bí quyết kinh doanh từ ông. Bạn không thể chỉ hỏi khách hàng những gì họ muốn và sau đó cố gắng để cung cấp cho được cái họ đòi hỏi. Vào chính lúc bạn bắt đầu làm được nó, khách hàng sẽ muốn một cái gì đó mới hoàn toàn. Bạn phải xây dựng cái mới trước và khách hàng sẽ nói rằng họ mong muốn cái mới mà bạn tạo ra”.

Do vậy, dù nhiều bạn bè và người thân tỏ ra nghi ngờ về sự thành công của sản phẩm, trước giờ mọi người chỉ thích hoa tươi vì cho rằng nó có hồn, bây giờ mình ra sản phẩm mới, Phương nên nghiên cứu và tham khảo, thăm dò thị trường và nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Dù lời khuyên của họ hợp lý nhưng cô quyết định học cách của Steve Jobs.

Sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận. Cả các diễn viên, ca sĩ và người nổi tiếng đều rất thích sản phẩm của Phương bởi sự độc đáo, mới lạ và tinh tế. “Các nghệ sĩ chia sẻ những cảm nhận tích cực về sản phẩm trên các trang cá nhân của họ cũng góp một phần tạo nên trào lưu cho dòng sản phẩm của mình”, Helen Phương chia sẻ.

Lý Nhã Kỳ chia sẻ món quà tặng nhân ngày sinh nhật trên trang cá nhân.

Tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm đặc biệt

Dù sản phẩm được thị trường đón nhận và quan tâm, Helen Phương vẫn dành phần lớn thời gian hàng ngày để nghiên cứu, cải tiến và cải tạo chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Cô nói: “Làm người dẫn đầu, bạn sẽ luôn bị các đối thủ dòm ngó. Thương trường rất khốc liệt. Nếu không tạo được sự khác biệt sẽ bị đối thủ nhấn chìm”.

Phương cho biết vừa đưa sản phẩm lên website, vài hôm sau đã bị bắt chước. Do đó, phải đi trước thị trường một bước bằng cách sáng tạo ra mẫu mới và một số nguyên liệu chủ đạo được Phương đặt trực tiếp từ Hàn Quốc về để tạo nên sự khác biệt.

“Các đối thủ chỉ bắt chước được hình dáng, chất lượng và nguyên liệu, không bắt chước được do tôi đặt hàng từ nguồn riêng, các nguyên liệu không có trên thị trường Việt Nam”, Phương chia sẻ.

Các sao giao lưu cùng Helen Phương.

Nhiều khách hàng tỏ ra ngạc nhiên vì các bó hoa đều mang một ý nghĩa rất riêng. Một gấu tượng trưng cho thông điệp: “Trong trái tim anh chỉ có mình em”. 7 gấu mang ý nghĩa: “Anh luôn thầm yêu trộm nhớ em” dành cho những bạn muốn tỏ tình nhưng còn e ngại. Và các sản phẩm bán chạy nhất của Phương là các sản phẩm 11 gấu với ý nghĩa: “Trọn đời trọn kiếp chỉ yêu mình em”.

“Nhiều bạn trẻ ngại bày tỏ cảm xúc với người mình quan tâm và thương yêu. Hoa gấu bông Teddy thay lời muốn nói. Chỉ cần nhận được bó hoa thì người nhận sẽ hiểu được tâm ý của bạn. Đó là lý do Phương chọn thông điệp của sản phẩm mình: yêu thương nhau sao không nói”.

Hạnh phúc là mang đến niềm vui cho mọi người

Sau 3 năm, với sự phát triển không ngừng, thương hiệu Hoa gấu bông Teddy đã trở thành chuỗi cửa hàng và hệ thống đại lý rộng khắp trên cả nước. Helen Phương đã phát triển từ thú vui và đam mê trở thành nghề nghiệp ổn định.

Phương tâm sự: “Với tôi, niềm vui mỗi ngày là nhận được những lời cảm ơn của các khách hàng sau khi nhận hoa và hài lòng với sản phẩm. Những câu chuyện chia sẻ của các khách hàng nhờ bó hoa đã mang họ đến gần nhau hơn được tôi ghi chép lại cẩn thận và thường xuyên mang ra đọc, như một lời nhắc nhở chính mình là không ngừng hoàn thiện sản phẩm và chất lượng dịch vụ để không phụ lòng tin yêu của họ”.

Helen Phương cùng ca sĩ Thuỷ Tiên.

Dù có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các dịp lễ đặc biệt trong năm như ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Noel, Lễ tình nhân 14/2, Quốc tế phụ nữ 8/3, năm nào các sản phẩm của Teddy của Phương cũng bị "cháy hàng". "Huy động các nhân viên tăng ca và bản thân mình phải làm việc liên tục tới 4-5h sáng mỗi ngày trong những ngày lễ nhưng vẫn không kịp đơn hàng cung cấp. Mình cảm thấy có lỗi với các khách hàng khi không mua được món quà ý nghĩa tặng người thân nhưng không muốn cung cấp cho khách hàng những sản phẩm kém chất lượng. Mỗi lần như thế Phương đều có gắng thuyết phục khách hàng thông cảm mua vào một dịp khác", Phương nói.

Cô chủ trẻ dí dỏm: “Ngoài các bí quyết trên, bí quyết quan trọng nhất là tôi đã tìm được người bạn đời sẵn sàng giúp mình theo đuổi tận cùng đam mê”.

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

9x Việt Tài Năng

Chỉ với nhà kho làm nơi trung gian giữ và bày bán đồ giúp người ký gửi mà chàng trai 9X Đỗ Tuấn Hải mang về thu nhập chừng 100 triệu/tháng. Ngoài ra Hải còn làm chủ quán cà phê và hai cửa hàng thời trang.

Người đi tiên phong

Nhà kho ký gửi là nơi trung gian nhận mọi thứ đồ như quần áo, giày dép, sách cho đến đồ bếp, đồ điện tử… đã qua sử dụng. Người ký gửi sẽ tự định đoạt giá của sản phẩm. Nhà kho có nhiệm vụ đem trưng và rao bán lại để ăn chia lợi nhuận. Món đồ bán được càng sớm, người ký gửi sẽ nhận được nhiều tiền hơn. Mô hình này đang được nhiều bạn trẻ tìm hiểu và áp dụng.

Đỗ Tuấn Hải, chàng trai 9x năng động, kinh doanh giỏi.

Đỗ Tuấn Hải (23 tuổi, Hà Nội) là người đầu tiên nắm bắt và kinh doanh dịch vụ này. Anh đang sở hữu một nhà kho ký gửi rộng hơn 300 m2 trong khu Zone 9 đường Lê Thánh Tông, Hà Nội. Hải mở từ tháng 6/2013 sau một lời gợi ý của một người bạn trong nhóm.

Hải kể về ý tưởng của mình: “Ngay khi nghe ý tưởng kinh doanh này mình liền thốt lên “sao hay thế”. Trước đó chưa hề nghe về cái này, lại thấy mô hình độc đáo ở Việt Nam chưa ai làm cả nên Hải quyết định mở nhà kho ký gửi”.

Hải và hai người bạn đồng sáng lập mô hình nhà kho ký gửi.

Hải cùng với hai người bạn khác, mỗi người bỏ ra 200 triệu để tìm một mặt bằng đủ rộng làm nhà kho chứa đồ. Nhà kho làm trong khu Zone 9, rộng hơn 300 m2 được trang trí lại. Rồi Hải cùng cộng sự thiết một quy trình ký gửi hàng hóa phù hợp và tự mày mò thiết lập các phần mềm quản lý. Sau gần 3 tháng, mô hình nhà kho ký gửi đầu tiên Ở Việt nam được Hải cho ra mắt.

“Công việc của mình gặp nhiều thuận lợi lớn vì đây là mô hình đầu tiên ở Việt Nam nên được mọi người chú ý và quan tâm ngay khi đi vào hoạt động. Khách tới rất đồng, nhiều nhất là khách hàng nữ nên nhà kho của mình có rất nhiều mặt hàng thời trang. Còn khách mua hàng lại vui vẻ vì mua được hàng giá rẻ", Hải nhớ lại.


Không gian nhà kho ký gửi ở khu Zone 9 của Hải.

Có những chiếc áo còn mới chỉ bán với giá 7.000 đồng, nhưng lại có chiếc áo được định giá đến 22 triệu đồng như chiếc váy cưới do cô dâu tự thiết kế. Kể về kỷ niệm với các món hàng ký gửi, Hải nói: “Mình nhớ nhất có một chị mang một chiếc máy nghe đĩa than vẫn hoạt động tốt đến và kể câu chuyện rất hay về người bố cùng chiếc máy đĩa đó. Qua đó, Hải thấy khá vui vì đôi khi khách hàng không chỉ là mang đồ đến ký gửi mà nhà kho còn là nơi để chia sẻ phong cách sống cho mọi người”.

Nhà kho của Hải ngày nào cũng có khách tới xem hàng, ký gửi. Có thời điểm những món đồ “cũ người mới ta” không còn chỗ để. Vào cuối tuần, nhà kho thường diễn ra các sự kiện, phiên chợ tấp nập. Sau 7 tháng mở, nhà kho mang lại cho riêng Hải mức thu nhập khoảng 50-100 triệu/tháng.

Duyên kinh doanh từ nhỏ

Không chỉ kinh doanh mỗi nhà kho, hiện tại Tuấn Hải còn là chủ của 2 cửa hàng thời trang và một quán cà phê. Cậu bạn dấn thân vào thương trường khi là sinh viên năm 3. Hải rất thích thời trang, nên đánh liều mượn mẹ 100 triệu mở cửa hàng bán quần áo. Và chỉ sau 5 tháng, chàng trai quê Sơn La đã trả lại đầy đủ cho mẹ mình.

Ngoài kinh doanh, Hải còn làm MC, người mẫu ảnh...

Khi thấy việc bán thời trang bắt đầu ổn định thì cũng là lúc Hải muốn thứ sức với những lĩnh vực mới. Hải có mong muốn mở một hệ thống nhà hàng dịch vụ dành cho giới trẻ và cà phê là điểm thử sức tiếp theo. Hiện tại cả quán cà phê, cửa hàng thời trang đều hoạt động tốt, giúp Hải mỗi tháng kiếm được hơn 100 triệu.

“Máu” kinh doanh đến với Hải từ khi còn là học trò cấp 2. Hải nhớ hồi lớp 8, Hải từng nhập chocolate về bán nhân ngày Lễ tình nhân và 8/3. Những lần sau, cứ đến dịp lễ là cậu lại cùng bạn lập nhóm bán hoa, chocolate, quà tặng... thường xuyên hơn. Dần dần, kinh doanh “ngấm” một cách nhẹ nhàng với chàng trai 9X này.

Thời gian rảnh còn lại, Hải đi làm công việc yêu thích của mình là MC và người mẫu ảnh cho các báo hoặc đọc sách, di du lịch. Mỗi công việc, chàng trai này đều để lại dấu ấn riêng.

Nói về công việc, Hải chia sẻ: “Tập trung cho nhà kho, cửa hàng rồi rảnh đi làm MC, người mẫu… chỉ như vậy thôi cũng đủ mệt rồi. Nhưng mình vẫn cố sắp xếp thời gian hợp lý các công việc, nhất là hệ thống các cửa hàng. Mình luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới để đem lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”.

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ

Nữ Doanh Nhân 8x Nặng Tình Yêu Với Trẻ Con

Đang thành công trong vai trò giám đốc marketing một doanh nghiệp lớn ở TP HCM, chị quyết định nghỉ việc để theo đuổi niềm đam mê lớn hơn - đem lại giấc ngủ bình yên cho con trẻ trong những năm tháng đầu đời.

Tiếp xúc với chị Vi Thị Thu Nhi, Giám đốc thương hiệu nội thất trẻ em cao cấp Nanakids, ai cũng cảm nhận được trong cử chỉ, lời nói, hành động của chị toát lên một tình cảm đặc biệt dành cho con trẻ. Chị lý giải: "Tôi luôn tâm niệm cuộc sống không có nghĩa là hiện tại bạn đang có gì mà phải làm được cái gì, thực hiện được và đúng công việc yêu thích của mình, điều này mới thật sự quan trọng. Triết lý kinh doanh của tôi gói gọn trong cụm từ: 'vì tình yêu con trẻ'".

Yêu trẻ chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định từ bỏ công việc văn phòng để tiến vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mà chị không hề có chuyên môn - sản xuất nội thất trẻ em. Bén duyên với ý tưởng sản xuất đồ nội thất cho trẻ em rất tình cờ, ấy là năm 2009, khi mang thai đứa con đầu lòng, chị bắt đầu lùng mua các vật dụng cần thiết cho bé như nôi, các đồ dùng hỗ trợ... Chị nhận thấy rằng những sản phẩm chất lượng tốt cho bé tại thị trường Việt Nam quá ít, đa phần là hàng Trung Quốc hoặc có hàng ngoại nhập nhưng giá quá cao và phải mất thời gian chờ đợi nhập hàng về.

Nữ doanh nhân Vi Thị Thu Nhi trực tiếp tham gia quy trình sản xuất cùng
đội ngũ công nhân để đảm bảo đúng chất lượng cho sản phẩm.

Mang trăn trở này tâm sự với những người trong gia đình và bạn bè, chị phát hiện nhu cầu của các bà mẹ trẻ được tiếp cận những sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo an toàn và phát triển thể chất cho bé rất cao. Thế là ý tưởng mở công ty chuyên nội thất trẻ em để mang lại những tiện nghi giúp các bà mẹ "dễ thở" hơn trong việc chăm sóc con cái bắt đầu nhen nhóm từ đây.

Thường đi công tác và học tập nhiều nơi trên thế giới trong nhiều năm nên chị rất hiểu phương pháp dạy con tự lập từ nhỏ của các ông bố bà mẹ Tây. "Nhiều gia đình Việt có con nhỏ phải chuyền tay bé hết từ ba mẹ qua ông bà, cô chú, ẵm chạy lòng vòng mà chả chịu ngủ. Trong khi đó em bé nước ngoài vài tháng tuổi đã tự nằm ngủ trong nôi mà cha mẹ khỏi cần ru dỗ. Điều này làm tôi thực sự ngạc nhiên", chị Nhi kể lại.

Theo chị, các bậc cha mẹ ngoại quốc đã phải tập con từ nhỏ. Khoảng 3 tháng tuổi, sau khi bú no và tắm rửa sạch sẽ, bé được mặc ấm và cho đi ngủ. Ban đầu bé có thể quấy khóc nhưng cha mẹ phải bình tĩnh, không được "xót con" mà ẵm lên ngay. Phải từ từ vỗ về để đưa bé vào giấc ngủ. Dần thành quen, chỉ cần bố mẹ đặt xuống là vài phút sau bé có thể ngủ ngon.

Để làm được điều này thì bên cạnh phương pháp khoa học còn phải có "học cụ" đi kèm như nôi, quần áo ấm, bộ đèn xoay trang trí... hay thậm chí cả camera hồng ngoại để cha mẹ có thể quan sát được con vào ban đêm. Tuy nhiên tìm được những "học cụ" đạt chuẩn này xem ra rất khó khăn, ngay cả như tại một đô thị hàng đầu như TP HCM.

Thế là thương hiệu Nanakids được chị Nhi "khai sinh" vào năm 2009 với mục tiêu chuyên sản xuất và kinh doanh những sản phẩm tiện nghi chăm sóc bé nhằm chia sẻ nhọc nhằn cho các bà mẹ hiện đại vốn vừa phải làm việc ngoài xã hội, vừa phải chăm sóc con cái và quán xuyến gia đình.

"Ban đầu cũng do dự, lo lắng, rồi cả người thân, bạn bè nói vào nói ra, khuyên nên dừng lại, đang sướng không muốn tự dưng rước khổ vào thân. Nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ góp phần tạo cho trẻ em Việt tính tự lập ngay từ bé thơ qua những sản phẩm của mình", chị Nhi nói. Đó có lẽ cũng là phong cách mạnh mẽ, quyết đoán của mảnh đất miền Trung quê hương đã ăn sâu vào người phụ nữ này.

Lên kế hoạch thì dễ, nhưng bắt tay vào thực hiện phát sinh nhiều vấn đề lớn. Ban đầu vốn không có phải đi vay, lại là "tay mơ" về nội thất nên chị phải tự mình tìm tòi và học hỏi kiến thức, trực tiếp làm việc với kỹ thuật, công nhân nhà máy để hoàn thiện thiết kế và sản phẩm. Việc phải ở dài ngày tại nhà xưởng để cùng công nhân nghiên cứu, sản xuất những mẫu mã mới, đẹp mắt, tiện dụng hay bị mất ngủ, sụt cân là chuyện "thường ngày ở huyện".

Bên cạnh đó chị còn phải tìm kiếm các đối tác lớn ở nước ngoài và thuyết phục họ hợp tác để có thể đem về những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho trẻ em Việt. Qua khó khăn ban đầu, hiện tại Nanakids đã tạo được vị thế trong thị trường nội thất trẻ em cao cấp, không chỉ phục vụ trẻ em trong nước mà còn xuất khẩu ra cả nước ngoài.

"Tôi nhớ mãi có lần một vị doanh nhân người nước ngoài bước vào showroom Nanakids tại quận 1, TP HCM và thốt lên với tôi rằng công ty của bạn cũng sản xuất những sản phẩm trẻ em chất lượng này ư, tôi đã tìm cả năm nay ở Sài Gòn cho con trai mà không thấy", chị Nhi tự hào nói.

Vừa điều hành công ty, vừa phải làm tròn vị trí là vợ, là mẹ và là con dâu trong gia đình nên chị phải phân chia thời gian hợp lý để kết hợp điều hành công ty, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, chăm sóc hai con nhỏ và quán xuyến việc gia đình cùng một lúc. "Chỉ có tình yêu thương chân thành dành cho trẻ và niềm đam mê với những sản phẩm tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ mới khiến tôi tham công tiếc việc đến vậy", chị Nhi tâm sự.

Sản phẩm nôi Nanakids có nhiều chức năng để sử dụng hiệu quả trong thời gian dài.

Sản phẩm Nanakids được đề cao tính an toàn, sự phát triển và hoàn thiện tư duy của trẻ để, giúp cha mẹ sử dụng hiệu quả hơn sản phẩm và chăm sóc con tốt. Đơn cử qua nghiên cứu thị trường, chị Nhi nhận thấy nhiều gia đình ít mua nôi cho con trẻ vì tâm niệm sản phẩm này chỉ dùng cho con trong 6 tháng đầu đời, sau đó không dùng nữa nên mua về thì phí.

Để giải quyết vấn đề này, nôi Nanakids được thiết kế khác biệt với 3 nấc nâng hạ sàn. Nấc cao nhất dành cho bé 0-3 tháng tuổi, lúc này mẹ mới sinh bé xong, việc đi lại và cúi xuống chăm sóc hay ẩm bé còn khó khăn nên nên mức sàn cao này sẽ giúp cho việc mẹ chăm sóc bé được tiện lợi. Tiếp đó nấc trung bình dành cho bé từ tháng thứ 3-10 khi đã biết lẫy, ngồi, bò…, phụ huynh chuyển xuống nấc này để đảm bảo an toàn cho bé. Nấc thấp nhất dùng khi bé biết đi, mẹ có thể bỏ bé vào cũi và chơi trong đó trong lúc mẹ làm việc nhà mà ko phải lo trông chừng bé.

Sau khi bé không còn nằm nôi nữa, các phụ huynh có thể tháo hai thanh chắn hai bên của nôi để biến nó thành chiếc giường nhỏ để bé ngủ riêng (sử dụng được cho bé đến 5 tuổi). Để tận dụng, mẹ có thể tháo một thành nôi và trải tấm nệm lên. Chiếc nôi sẽ biến thành chiếc ghế sofa cho bé ngồi chơi cho đến khi bé lớn. Do đó vậy việc đầu tư nôi Nanakids đảm bảo sử dụng lâu dài với chi phí hợp lý.

Chị Nhi cho biết sản xuất nôi tưởng đơn giản nhưng không hề "dễ ăn", phải nắm rõ kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình sử dụng và hỗ trợ sự phát triển. Ví dụ các thanh gỗ của thành nôi không được có góc cạnh, các chi tiết phải được xử lý láng mịn và bo tròn để đảm bảo khi bé chạm vào sẽ không bị ghim dằm hay đứt tay. Ngoài ra, khoảng hở giữa các thanh gỗ thành nôi phải vừa đủ lớn để đảm bảo bé có thể vịn tay vào thành nôi thoải mái mà không không lo bị kẹt tay và không được quá to để đảm bảo bé không thể thò đầu ra ngoài thành nôi.

Hay sản phẩm giường tầng Nanakids cũng đa dạng, có thể tách làm hai giường đơn hoặc ráp thêm một hộc giường bên dưới để biến thành chiếc giường 3 tầng, phù hợp cho những gia đình có diện tích phòng ngủ nhỏ gọn.

Những chiếc giường ngủ tiện ích cho trẻ, tiết kiệm được không gian trong nhà.

Theo chị Nhi, sản phẩm nội thất Nanakids xuất xưởng tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ về an toàn sức khỏe cho bé từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu, sản xuất đến ra thành phẩm, phù hợp với các bà mẹ hiện đại. "Sản phẩm đều có thiết kế mang phong cách sang trọng hiện đại, dễ dàng tháo lắp, sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn an toàn dành riêng cho trẻ, dùng chất liệu hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên, sơn PU không chì, không độc hại với trẻ nhỏ", chị Nhi nhấn mạnh.

Ngoài những sản phẩm nội thất cơ bản như nôi cũi, giường, giường tầng, tủ, bàn học, Nanakids còn cung cấp cho khách hàng những bộ trang trí phòng gồm chăn mền, nệm gối nhiều mẫu mã, chất liệu bền đẹp đến các vật dụng trang trí đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ bé phát triển trí thông minh và óc sáng tạo như giấy dán tường RoomMates, đồ chơi Fehn...


Nanakids vừa được khách hàng bình chọn vào Top 10 Thương hiệu nổi tiếng 2013. Hiện tại công ty đã có 3 showrooms tại Hà Nội và TP HCM cùng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp, lắp đặt miễn phí tận nơi, sản phẩm được bảo hành một năm. Nanakids cũng tham gia và tổ chức các hoạt động từ thiện, nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, mang đến cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên và có cuộc sống tốt hơn.

Công ty đang tiếp tục phát triển đa dạng những sản phẩm nội thất chất lượng cao nhằm đem đến cho trẻ những tiện nghi tốt nhất, không gian riêng phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ từ những tháng đầu đời cho đến 15 tuổi. Nữ doanh nhân trẻ Vi Thị Thu Nhi cũng đặt mục tiêu đưa sản phẩm và dịch vụ Nanakids đến với mọi miền đất nước cũng như đưa thương hiệu này thâm nhập thị trường các nướckhác trong khu vực châu Á